Những quy định về thực hiện Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên

  

Về  đối tượng tham gia đóng BHYT

Học sinh, sinh viên (trừ những HSSV đang tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng khác theo quy định của Luật BHYT) đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh và có tên trong danh sách HSSV của trường học đều là đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT bắt buộc (Khoản 1 Điều 1 và Mục b Khoản 4 Điều 12 của Luật số 46/2014/QH13 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế)

HSSV có thẻ BHYT thuộc nhóm đối tượng khác (thân nhân sĩ quan, hạ sĩ quan, nghèo, cận nghèo...) nếu hết hạn sử dụng và không được tiếp tục tham gia theo nhóm đối tượng đó, thì tham gia BHYT theo nhóm HSSV ngay từ tháng tiếp theo, đến hết thời hạn chung với thẻ HSSV trong lớp, trường.

Số tiền đóng BHYT

Số tiền đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở (hiện nay là 1.210.000đ) nhân với số tháng tương ứng thời hạn sử dụng của thẻ BHYT (trong đó HSSV đóng 70%, Ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%).

Để đảm bảo việc phát hành thẻ BHYT cho HSSV trước ngày thẻ có hiệu lực, nhà trường nộp danh sách HSSV tham gia BHYT kèm file dữ liệu và chuyển nộp tiền vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội trước ngày 15/9.

Nhà trường có thể tổ chức thu BHYT HSSV (70% tự đóng) như sau:

- Thu 6 tháng:  228.690 đồng/học sinh (HS lớp 12, SV năm cuối);

- Thu 12 tháng: 457.380 đồng/học sinh;

- Thu 15 tháng:  571.725 đồng/học sinh (đối với HSSV tham gia lần đầu), có thể tổ chức thu làm một hoặc hai đợt như sau:

+ Đợt 1: thu 3 tháng cuối năm nay = 114.345 đồng/ học sinh.

+ Đợt 2: thu 12 tháng năm sau         = 457.380 đồng/học sinh.

Khi nhà nước điều chỉnh mức đóng BHYT, điều chỉnh mức lương cơ sở, trường hợp HSSV đã đóng BHYT một lần cho 6 tháng, 12 tháng, 15 tháng thì HSSV không phải đóng bổ sung phần chênh lệch do điều chỉnh.

Thời gian đóng và thời hạn hưởng BHYT HSSV

- Đối với thẻ BHYT có giá trị sử dụng 15 tháng thu tiền và nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội trước ngày 15/9 (thẻ BHYT có giá trị sử dụng từ 1/10 năm nay đến 31/12 năm sau).

Nếu HSSV thu làm hai đợt thì:

+ Đợt 1: thu tiền và nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội trước ngày 15/9 (thẻ BHYT có giá trị sử dụng 3 tháng từ 1/10 đến 31/12 năm đó);

+ Đợt 2:  thu tiền và nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội trước ngày 15/12 (thẻ BHYT có giá trị sử dụng 12 tháng từ 1/1 đến 31/12 năm sau).

- Đối với thẻ BHYT có giá trị sử dụng 6 tháng, 12 tháng thu tiền và nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội trước ngày 15/12 của năm trước (thẻ BHYT có giá trị sử dụng 6 tháng từ 1/1 đến 30/6, giá trị sử dụng 12 tháng từ 1/1 đến 31/12).

- Đối với học sinh lớp 12 và sinh viên năm cuối thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT từ ngày 1/10 hoặc từ ngày hết hạn của thẻ BHYT được cấp trong năm học trước đến ngày cuối của tháng kết thúc năm học đó.

Quyền lợi của HSSV khi tham gia BHYT 

Được lựa chọn nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu gần nơi cư trú theo hướng dẫn của cơ quan bảo hiểm xã hội; từ 1/1/2016 được hưởng chế độ BHYT khi khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế tại nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, được quyền KCB tại trạm y tế tuyến xã hoặc PKĐK hoặc BV tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh; khám chữa bệnh trong trường hợp cấp cứu, chuyển viện phù hợp với tuyến chuyên môn kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế; khi sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao có chi phí lớn, khám chữa bệnh theo yêu cầu riêng được cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán theo quy định.

- Được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế trường học.

- Đối với HSSV tham gia BHYT theo các đối tượng khác, được cấp thẻ BHYT có nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở y tế nơi gia đình cư trú, khi theo học tại các trường tập trung (hoặc chuyển trường), nếu có nguyện vọng sẽ được chuyển nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở y tế nơi nhà trường đóng trụ sở, trong thời gian chưa chuyển nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, nếu đến khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh đóng trên địa bàn với nhà trường, có xuất trình thẻ BHYT, giấy tờ tuỳ thân có ảnh và giấy giới thiệu của nhà trường thì được hưởng quyền lợi BHYT như trường hợp khám chữa bệnh đúng tuyến.

Trách nhiệm của HSSV khi tham gia BHYT

- Đóng BHYT đầy đủ, đúng thời hạn theo quy định.

- Thực hiện nghiêm túc các chỉ dẫn của cán bộ y tế, cán bộ bảo hiểm xã hội.

- Thực hiện đúng quy định khi đi khám, chữa bệnh:

- Quản lý thẻ BHYT không để mất, rách. Trường hợp mất thẻ BHYT phải làm Tờ khai và nộp đơn lên bảo hiểm xã hội huyện, thành phố (nơi đăng ký tham gia BHYT), hoặc bảo hiểm xã hội tỉnh để được cấp lại. Nghiêm cấm việc cho mượn thẻ BHYT, nếu vi phạm sẽ phải bồi hoàn toàn bộ chi phí và xử phạt theo Luật định.

Khánh Vân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới