Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc

Theo báo cáo nhanh ngày 5/8 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, dự báo từ ngày 05-06/8, trên thượng lưu sông Đà, sông Thao, sông Lô sẽ xuất hiện 01 đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2-4m.

Sạt lở đất ở Lai Châu gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên thượng lưu sông Thao và sông Lô có khả năng lên mức báo động 1-báo động 2. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh như: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét, sạt lở đất ở khu vực vùng núi Bắc Bộ: cấp 1; riêng ở các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng: cấp 2.

Về tình hình thuỷ văn, trên sông Đà, lưu lượng đến hồ Hòa Bình đang biến đổi theo điều tiết của thủy điện Sơn La. Trên sông Thao, mực nước tại Yên Bái đang biến đổi chậm. Mực nước thượng lưu sông Lô đang xuống nhanh, mực nước hạ lưu đang lên nhanh. Mực nước sông Hồng đang xuống, lúc 07h ngày 05/8, mực nước tại Hà Nội là 4,02m. Mực nước các sông trên hệ thống sông Thái Bình đang xuống và chịu ảnh hưởng của thủy triều, lúc 07h ngày 05/8, mực nước tại Phả Lại là 1,67m. Mực nước trên sông Bùi tại Yên Duyệt lúc 07h ngày 05/8 là 6,5m (dưới báo động 3 là 0,5m), sông Đáy tại Phủ Lý là 3,03m (trên báo động 1 là 0,13m). Dự báo: Mực nước sông Hồng sẽ tiếp tục dao động theo điều tiết của hồ Hòa Bình.

Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang lên chậm. Mực nước 7h ngày 05/8, trên sông Tiền tại Tân Châu 3,01m (dưới báo động 1 là 0,49m); trên sông Hậu tại Châu Đốc 2,29m (dưới báo động 1 là 0,71m). Dự báo: Trong 1-2 ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi chậm, sau đó lên lại. Đến ngày 08/8, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu lên mức 3,3m (dưới báo động 1 là 0,2m); tại Châu Đốc lên mức 2,75m (dưới báo động 1 là 0,25m).

Về tình hình thiệt hại do thiên tai, tỉnh Lai Châu: 06 người chết, 05 người mất tích, 02 người bị thương. Tỉnh Bắc Kạn, theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Kạn, từ ngày 03-04/8/2018, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn xảy ra mưa lớn đã làm 9,23ha lúa bị thiệt hại và 03 cống qua đường bị xói lở.

Để ứng phó với thiên tai, thực hiện quy trình liên hồ chứa lưu vực sông Hồng, căn cứ nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia và tình hình thực tế, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã ban hành các Công điện số 26/CĐ-TW và số 28/CĐ-TW ngày 04/8/2018 lệnh cho các Công ty Thủy điện Tuyên Quang, Sơn La, Hòa Bình mở 01 cửa xả đáy (hồ Tuyên Quang đã mở 01 cửa xả vào hồi 14h/04/8, hồ Hòa Bình mở 01 cửa xả vào 08h/05/8, hồ Sơn La mở 01 cửa xả vào 10h/05/8).

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có Công điện số 27/CĐ-TW hồi 11h00 ngày 04/8/2018 gửi các tỉnh miền núi phía Bắc, các Bộ, ngành chủ động triển khai ứng phó với diễn biến mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất và thường xuyên theo dõi bản tin cảnh báo tình hình mưa lũ, sạt lở đất, đồng thời chuyển các bản tin dự báo tới các địa phương bị ảnh hưởng. Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công an đã có Công điện số 04/CĐ-ƯPT ngày 04/8/2018 chỉ đạo công tác ứng phó với diễn biến mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu, UBND huyện Phong Thổ tích cực triển khai công tác tìm kiếm người bị mất tích, tổ chức di dời người dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất trên địa bàn huyện Phong Thổ, tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại sớm ổn định đời sống. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Cao Bằng, Phú Thọ, Thái Nguyên đã có các Công điện, thông báo chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ động các biện pháp ứng phó với thiên tai.

Đối với thành phố Hà Nội (huyện Chương Mỹ): vận hành các trạm bơm tiêu để đảm bảo kịp thời tiêu nước, hỗ trợ chỗ ở, lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói, khát; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu, vệ sinh môi trường phòng tránh dịch bệnh lây lan tại những khu vực nước rút.

Đối với các tỉnh miền núi phía Bắc, theo dõi chặt chẽ thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất; thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết, chủ động phòng tránh. Kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các hộ dân sống ven sông, suối, kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường, các sự cố, báo cáo chính quyền và thông tin đến người dân để chủ động phòng tránh; sẵn sàng các phương án ứng phó đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân khi có tình huống xảy ra. Tổ chức lực lượng canh gác, hướng dẫn người dân và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, các đoạn đường giao thông bị ngập, có nguy cơ xảy ra đá lăn, bến đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn.

Đối với các tỉnh hạ du hồ Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, khẩn trương thông báo đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động sản xuất kinh doanh, trên sông, ven sông, đặc biệt tại các vị trí đã xuất hiện dấu hiệu sạt, lún đất; cơ sở nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải thủy;... để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản. Rà soát phương án phòng chống lũ đảm bảo an toàn cho hạ du, các khu tập trung dân cư ở bãi sông để chủ động ứng phó, triển khai di dời lồng bè, dân cư ở những khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng để đảm bảo an toàn. Chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông đến cấp phường, xã tăng thời lượng và tần suất đưa tin về việc xả lũ các hồ chứa.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới