Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất

Theo báo cáo nhanh ngày 16/9 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, dự báo, từ ngày 17-19/9, trên thượng lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình, thượng lưu hệ thống sông Mã sẽ xuất hiện 1 đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2-5m.

Lũ gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản ở huyện Mường Lát, Thanh Hóa.

Trong đợt lũ này, đỉnh lũ sông Thao và thượng lưu sông Lô ở mức báo động 2 - báo động 3; sông Kỳ Cùng và sông Bằng Giang ở mức báo động 1 - báo động 2; thượng lưu sông Thái Bình ở mức báo động 1.

Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất: Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc Bộ và Thanh Hóa, đặc biệt là các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình; Ngập úng tại vùng trũng, vùng thấp và các đô thị thuộc các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang, Hòa Bình. Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt, sạt lở đất: cấp 1.

Về tình hình lũ trên sông Cửu Long, mực nước sông Cửu Long biến đổi chậm. Mực nước cao nhất ngày 16/9, trên sông Tiền tại Tân Châu 3,90m (dưới báo động 2 là 0,1m); trên sông Hậu tại Châu Đốc 3,52m (trên báo động 2 là 0,02m). Dự báo, mực nước sông Cửu Long sẽ xuống chậm theo triều. Đến ngày 20/9, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 4,0m, ở mức báo động 2; tại Châu Đốc ở mức 3,65m, trên báo động 2 là 0,15m, tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long xuống mức báo động 1. Trong những ngày tiếp theo, mực nước sông Cửu Long sẽ lên lại theo kỳ triều cường.  Đến ngày 25/9, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 4,2m, trên báo động 2 là 0,2m; tại Châu Đốc ở mức 3,8m, dưới báo động 3 là 0,2m, tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long lên mức báo động 1 - báo động 2, và trên báo động 2.

Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp và mất an toàn đê bao tại tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An.

Tình hình thủy văn trên sông Mê Kông còn diễn biến phức tạp, cần chủ động đề phòng lũ có khả năng lên cao, đặc biệt khi xảy ra các hình thế thời tiết bất lợi trên lưu vực. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 2-3.

Về tình hình chứa thủy điện, hiện hồ Hòa Bình đang mở 01 cửa xả đáy. Trong 189 hồ cập nhật thông tin vận hành, có 41 hồ xả điều tiết qua tràn, trong đó: khu vực Bắc Bộ có 75 hồ, hiện 06 hồ chứa vận hành vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa, xả nước qua tràn; khu vực Bắc Trung Bộ có 16 hồ, hiện 09 hồ chứa vận hành vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa, xả nước qua tràn.

Về hồ chứa thủy lợi, khu vực Bắc Bộ có 165/289 hồ chứa lớn và 2.100/2.696 hồ chứa nhỏ tích đầy nước. Vận hành xả lũ của các hồ có cửa van: Núi Cốc xả 150m3/s (Thái Nguyên), Đại Lải xả 20m3/s, Thanh Lam xả 20m3/s (Vĩnh Phúc), Yên Lập xả 50 m3/s, Tràng Vinh xả 50 m3/s (Quảng Ninh); khu vực Bắc Trung Bộ có 33/135 hồ chứa lớn và 1.185/1.785 hồ chứa nhỏ tích đầy nước. Hồ có cửa van vận hành xả lũ: Hồ Cửa Đạt (Thanh Hóa) xả 340m3/s.

Về tình hình đê điều, các tỉnh thành phố khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (đến Nghệ An) còn tồn tại 230 trọng điểm, vị trí xung yếu đê điều trên các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt. Hiện có 16 công trình kè bảo vệ mái đê đang thi công dở dang: Thái Nguyên 02; Bắc Giang 03; Hà Nội 02; Hưng Yên 01; Thái Bình 03; Nam Định 01; Thanh Hóa 05. Các địa phương đã có phương án để bảo vệ an toàn khi có tình huống xảy ra.

Về tác động của lũ đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh An Giang đã di dời 132 hộ dân ở ngoài khu vực đê bao ở huyện An Phú, Phú Tân và xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên. Đối với sản xuất nông nghiệp tại vùng lũ đồng bằng sông Cửu Long, hiện các địa phương đã khuyến cáo không tiếp tục xuống giống tại những vùng ảnh hưởng lũ, trong đó tỉnh Đồng Tháp đã ban hành công văn số 348/UBND-KTN ngày 05/9/2018 về việc dừng xuống giống lúa vụ Thu Đông 2018. Lũ cũng đã làm thiệt hại lớn về lúa. Tính đến 17h ngày 15/9/2018, lũ đã gây thiệt hại 1.480 ha lúa (An Giang: 1.015 ha; Kiên Giang: 316ha ha; Long An: 1,5ha; Đồng Tháp: 148,62ha).

Để ứng phó với thiên tai, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1256/CĐ-TTg ngày 15/9/2018 gửi Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố Bắc Bộ từ Nghệ An và các Bộ, ngành chỉ đạo triển khai ứng phó với bão số 6 và mưa lũ. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố Bắc Bộ đến Nghệ An tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để chủ động các biện pháp phòng tránh, trong đó các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, Bắc Giang, Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng đã có công điện chỉ đạo các đơn vị liên quan chuẩn bị ứng phó với bão số 6. Tỉnh Thái Bình đã cấm biển vào ngày 15/9/2018; các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định sẽ thực hiện việc cấm biển trong ngày 16/9/2018.

Các công việc cần triển khai tiếp theo, thực hiện nghiêm túc các Công điện của Thủ tướng Chính phủ; Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai về việc ứng phó với bão số 6 và lũ tại Đồng bằng sông Cửu Long. Chuẩn bị các phương án ứng phó với mưa, lũ sau bão, trong đó tập trung công tác kiểm tra, kiểm soát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để kịp thời cảnh báo, sơ tán người dân, đảm bảo an toàn; tổ chức lực lượng theo dõi, cảnh báo diễn biến lũ trên sông để ứng phó kịp thời khi có lũ lớn.

Tiếp tục theo dõi, kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở; xử lý kịp thời sự cố đối với các tuyến đê bao, bờ bao tại Đồng bằng sông Cửu Long để đảm bảo an toàn, tính mạng và tài sản của người dân. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24h/24h, thường xuyên cập nhật thông tin, báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới