Một số chính sách có hiệu lực từ tháng 6

4 loại tài sản không được kê biên cưỡng chế trong thi hành án thương mại; người mới ra tù dưới 18 tuổi được ưu tiên vay vốn; Không tuyển sinh trình độ trung cấp sư phạm … là những chính sách hiệu lực từ tháng 6/2020.

Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2020, Nghị định số 44/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại quy định 4 loại tài sản không được kê biên gồm:

- Tài sản bị cấm lưu thông theo quy định của pháp luật, tài sản phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng, tài sản do ngân sách nhà nước cấp cho cơ quan, tổ chức.

- Thuốc phục vụ việc phòng, chữa bệnh cho người lao động, lương thực, thực phẩm, dụng cụ và tài sản khác phục vụ bữa ăn cho người lao động.

- Nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế và thiết bị, phương tiện, tài sản khác thuộc các cơ sở này, nếu không phải là tài sản để kinh doanh.

- Trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống ô nhiễm môi trường.

Khi có Quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế, nếu có dấu hiệu cho thấy pháp nhân thương mại bị áp dụng biện pháp cưỡng chế có hành vi tẩu tán hoặc làm hư hại tài sản thì người đã ra quyết định cưỡng chế có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức có liên quan, chính quyền địa phương nơi pháp nhân thương mại bị cưỡng chế đóng trụ sở hoặc nơi có tài sản thực hiện biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn việc tẩu tán hoặc làm hư hỏng tài sản.

Phương tiện vận tải hàng hóa nguy hiểm phải dán biểu trưng hàng hóa nguy hiểm

Ngày 08/4/2020,Chính phủ ban hành Nghị định 42/2020/NĐ-CP quy định về Danh mục hàng hoá nguy hiểm, vận chuyển hàng hoá nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thuỷ nội địa.

Theo đó, khi vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, không  được vận chuyển các loại thuốc nổ, khí ga, xăng, dầu và các chất dễ cháy, nổ khác đi qua các công trình hầm có chiều dài từ 100 m trở lên. Ngoài ra, người (người tham gia giao thông hoặc hành khách) cùng phương tiện (đã được cấp phép vận chuyển hàng nguy hiểm) đang thực hiện vận chuyển các loại hàng hóa này cũng không được vận chuyển đồng thời trên cùng một chuyến phà.

Phương tiện vận tải hàng hóa nguy hiểm phải dán biểu trưng hàng hóa nguy hiểm. Nếu trên một phương tiện có nhiều loại hàng hóa nguy hiểm khác nhau thì phương tiện phải dán đủ biểu trưng của các loại hàng hóa đó. Vị trí dán biểu trưng ở hai bên và phía sau của phương tiện.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6.

Người mới ra tù dưới 18 tuổi được ưu tiên vay vốn, đào tạo nghề

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng. Theo đó, người chấp hành xong hình phạt tù dưới 18 tuổi được ưu tiên đào tạo nghề và hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm; trẻ em chấp hành xong hình phạt tù được thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ phù hợp theo quy định của pháp luật. Với đối tượng mới ra tù khác sẽ được tham gia đào tạo nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, dưới 3 tháng được miễn, giảm học phí, hưởng chính sách nội trú, được hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn và tiền đi lại nếu thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp theo quy định hiện hành.

Nghị định cũng quy định trong khoảng thời gian 2 tháng trước khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù hoặc sau khi có kết quả thẩm định nhất trí đề nghị đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện của cơ quan có thẩm quyền, các cơ sở giam giữ phạm nhân tổ chức tư vấn tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho phạm nhân. Việc tư vấn tâm lý nhằm cung cấp cho phạm nhân kiến thức, giúp họ định hướng và nâng cao khả năng tự giải quyết những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/6.

 Ảnh minh họa. Nguồn: TH.

Không tuyển sinh trình độ trung cấp sư phạm

Có hiệu lực từ ngày 22/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tại Thông tư  09/2020/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non áp dụng chung cho mọi hình thức đào tạo

Một trong những nội dung đáng chú ý của Quy chế ban hành kèm theo Thông tư này là việc không tuyển sinh trình độ trung cấp sư phạm. Theo Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tối thiểu phải từ cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non.

Do vậy,để triển khai quy định này, Quy chế đã ghi nhận từ năm 2020, các trường đào tạo sư phạm sẽ không tuyển sinh trình độ trung cấp sư phạm, chỉ tuyển sinh trình độ cao đẳng trở lên với ngành giáo dục mầm non.

Thông tư đã bổ sung thêm đối tượng đã tốt nghiệp chương trình trung học phổ thông (THPT) của nước được nước sở tại cho phép thực hiện, đạt trình độ tương đương trình độ THPT của Việt Nam ở nước ngoài hoặc ở nước ngoài được tham gia dự tuyển đại học, cao đẳng ở Việt Nam./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới