Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Mộc Châu đã xảy ra nhiều đợt mưa đá, gió lốc gây thiệt hại lớn về tài sản, hoa màu của người dân. Dự báo mùa mưa lũ năm nay có nhiều diễn biến phức tạp; để chủ động ứng phó với những tình huống bất ngờ của thời tiết, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Mộc Châu đã khẩn trương xây dựng kế hoạch, chủ động các phương án phòng, chống thiên tai trên địa bàn.
Người dân tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông trường Mộc Châu
chăng lưới chống mưa đá cho vườn cây ăn quả.
Ảnh: PV
Theo thống kê các tháng đầu năm 2020, tại xã Chiềng Hắc đã xảy ra 2 trận mưa đá kèm theo gió lốc làm 1 người bị thương, hơn 200 ngôi nhà bị vỡ ngói, tốc mái, thiệt hại hơn 300 ha cây ăn quả cùng nhiều diện tích rau màu, lúa xuân, hàng trăm con gia cầm bị chết, sạt lở đất đá gây tắc nghẽn các tuyến đường liên xã... Mặc dù mưa đá, gió lốc bất ngờ, gây thiệt hại lớn về tài sản và sản xuất nông nghiệp của người dân, nhưng nhờ chủ động phòng, chống thiên tai, xã Chiềng Hắc đã nhanh chóng huy động các lực lượng hỗ trợ bà con sửa chữa nhà cửa, khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống. Các cơ quan, đoàn thể của huyện cũng tích cực huy động lực lượng giúp đỡ người dân khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai. Ông Vì Văn Biên, Chủ tịch UBND xã Chiềng Hắc, cho biết: Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã xây dựng phương án ứng phó với thiên tai trong thời gian tới. Đồng thời, phân công các thành viên trực 24/24 giờ để kịp thời nắm bắt tình hình mưa lũ, thường xuyên kiểm tra các tuyến đường có nguy cơ sạt lở, nhất là khu vực gần suối để cảnh báo kịp thời đến người dân sinh sống xung quanh; tích cực tuyên truyền bà con thu hoạch hoa màu, cây ăn quả, gia cố chuồng trại chăn nuôi.
Với địa hình khá phức tạp, địa bàn rộng, nhiều dòng suối chảy qua, vì vậy, huyện Mộc Châu thường xảy ra nhiều dạng thiên tai, nhất là vào mùa mưa. Qua khảo sát, đánh giá ở từng địa phương, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã đưa ra các dự báo vùng xung yếu, những vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai, như: Lũ ống, lũ quét kèm theo sạt lở đất trên lưu vực suối Sập chảy qua địa bàn xã Lóng Sập, Chiềng Sơn, Chiềng Khừa và Chiềng Hắc; lũ lớn tại lưu vực suối Giăng chảy qua địa bàn các xã Hua Păng, Nà Mường và Quy Hướng; tại địa bàn thị trấn Mộc Châu, thị trấn Nông trường Mộc Châu và xã Tân Lập, Tân Hợp... hay xuất hiện ngập úng, mưa đá, gió lốc từ khoảng tháng 4 đến hết tháng 9 hằng năm. Đồng thời, dự báo sạt lở đất tại các điểm xung yếu trên quốc lộ 43, tỉnh lộ 104, 102 và một số tuyến đường liên xã. Hiện nay, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai trên địa bàn với những giải pháp cụ thể, gắn với thực tế tình hình ở từng khu vực. Tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo tới người dân về nguy cơ xảy ra thiên tai để chủ động ứng phó khi có tình huống xảy ra. Trên cơ sở đó, các xã, thị trấn đã xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai sát với tình hình thực tế từng cơ sở; sẵn sàng huy động mọi phương tiện, kỹ thuật và lực lượng tại chỗ để triển khai kế hoạch ứng phó thiên tai trên địa bàn, nhất là với những xã vùng sâu, vùng biên giới, điều kiện thông tin liên lạc còn hạn chế. Ông Hà Văn Mươi, Chủ tịch UBND xã Chiềng Khừa, thông tin: Hằng năm, xã đều thực hiện kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, nhất là đội ngũ thành viên ở cơ sở để nhanh chóng nắm bắt tình hình trong mọi thời điểm. Tổ chức họp, giao ban hàng tháng, quý để triển khai kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai. Chú trọng công tác tuyên truyền đến bà con các bản để cảnh báo sớm về nguy cơ xảy ra thiên tai, qua đó hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa để phòng gió lốc, mưa đá, lũ lụt; xây dựng phương án huy động lực lượng “4 tại chỗ” từ cơ sở để kịp thời ứng phó khi có tình huống bất ngờ xảy ra.
Những phương án phòng, chống thiên tai tại huyện Mộc Châu đã và đang được các cơ quan chức năng, cơ sở chủ động triển khai bằng những giải pháp cụ thể, sát thực, nhằm chủ động trong mọi tình huống có thể xảy ra, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!