Trong khi ở nhiều nơi, vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng vứt bừa bãi trên nương, trên ruộng, ven suối, thì xã Sặp Vạt (Yên Châu) mô hình thu gom vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng được nhân dân đồng tình thực hiện. Đây là mô hình do Huyện Đoàn Yên Châu triển khai thực hiện, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần bảo vệ môi trường.
Mô hình thu gom vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng ở xã Sặp Vạt (Yên Châu) phát huy tác dụng.
Hằng năm, xã Sặp Vạt gieo cấy trên 94 ha lúa hai vụ, do thời tiết diễn biến phức tạp nên thường phát sinh sâu bệnh hại lúa, người dân đã dùng thuốc BVTV để bảo vệ cây trồng. Trung bình một ha lúa 2 vụ, phun khoảng 6-8 lít thuốc BVTV, từ đó xả thải khoảng 1-1,5 kg vỏ bao thuốc BVTV sau sử dụng, với nhiều chủng loại khác nhau như: chai thủy tinh, chai nhôm, chai nhựa... điều đáng nói là lượng thuốc BVTV vẫn còn dư thừa trong các vỏ bao và các loại vỏ bao thuốc BVTV này đều rất khó phân hủy, vì vậy tác động xấu đến môi trường. Mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần tuyên truyền, vận động thu gom vỏ bao thuốc BVTV, nhưng tình trạng “tiện đâu xả đấy” của bà con vẫn diễn ra khá phổ biến. Bởi họ chưa ý thức được sự nguy hại của vỏ bao thuốc BVTV sau sử dụng gây ra đối với môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người.
Đồng chí Quàng Văn Cương, Phó Bí thư Huyện Đoàn Yên Châu cho biết: Sau mỗi mùa vụ, vỏ bao thuốc BVTV nằm ngổn ngang trên bờ ruộng, trôi ra các kênh mương thủy lợi. Trước thực tế trên, đầu năm 2018, Huyện Đoàn Yên Châu triển khai xây dựng 5 lò rác mini chứa vỏ bao thuốc BVTV sau sử dụng tại xã Sặp Vạt, chi phí đầu tư cho mỗi lò là 1,6 triệu đồng, được trích từ quỹ của Huyện Đoàn. Những lò rác này bố trí tại bờ ruộng hoặc cạnh mương phai, để khi người dân ra lấy nước pha thuốc thì cầm luôn vỏ bao thuốc cho vào lò rác mini. Hiện, những lò rác mini này đều phát huy tác dụng, được người dân đồng tình thực hiện.
Tìm hiểu được biết, lò rác mini được thiết kế xây dựng khá đơn giản, chiều cao 1,2 m, rộng 80 cm x 80 cm, hình phễu, lò gồm có cửa thông khí rộng 20 cm; giàn sắt đựng rác dưới đáy. Để xây dựng hoàn chỉnh một lò rác mini cần 220 viên gạch, 100 kg xi măng, một xe rùa cát, 6 thanh sắt phi 12 để làm giàn. Điều mừng là, qua thực hiện mô hình thu gom vỏ bao thuốc BVTV đã giúp người dân thay đổi dần thói quen vứt vỏ bao thuốc sau sử dụng ngay tại bờ ruộng, góc vườn, mà cho vào lò xử lý rác để bộ phận đảm nhiệm công tác vệ sinh môi trường xã sẽ đến thu gom và xử lý theo quy định.
Đi trên cây cầu treo qua suối Sặp, chúng tôi đến bản Sai (Sặp Vạt), là một trong những bản có địa hình tách biệt và giao thông không thuận lợi. Nhiều năm qua, việc xử lý vỏ bao thuốc BVTV sau sử dụng là vấn đề nan giải của ban quản lý bản. Đồng chí Quàng Văn Tiếng, Trưởng bản Sai cho biết: Để hạn chế rác thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là vỏ thuốc BVTV sau sử dụng, ban quản lý bản phối hợp với các tổ chức đoàn thể ở bản tuyên truyền, vận động các hộ dân nâng cao ý thức trong việc xử lý rác thải. Đồng thời, thống nhất đưa nội dung thu gom vỏ bao thuốc BVTV sau sử dụng vào quy ước, hương ước của bản để bà con thống nhất thực hiện. Đến nay, lò xử lý vỏ bao thuốc BVTV sau sử dụng tại bản đã phát huy hiệu quả rõ rệt, giảm lượng rác thải đồng ruộng, góp phần vào việc bảo vệ môi trường.
Chị Quàng Thị Dung, bản Đông (Sặp Vạt) kể: Trước đây, sau khi phun thuốc trừ sâu xong thường không biết để vỏ chai ở đâu nên để trên bờ ruộng. Nhưng từ khi có lò chứa vỏ thuốc BVTV sau sử dụng bằng bê tông, tôi đã thực hiện đúng quy định. Đó là sau khi phun thuốc xong, bỏ những vỏ chai thuốc BVTV vừa sử dụng vào lò xử lý rác. Bây giờ, tôi đã hiểu việc vứt bừa bãi vỏ bao thuốc BVTV ra môi trường là ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, không chỉ riêng bản thân mà còn với rất nhiều người xung quanh.
Mô hình thu gom vỏ bao thuốc BVTV sau sử dụng của Huyện Đoàn Yên Châu bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực. Thời gian tới, Huyện Đoàn Yên Châu tiếp tục xây dựng thêm 3 lò rác mini thu gom vỏ bao thuốc BVTV tại xã Viêng Lán. Đồng thời, tuyên truyền, vận động và trực tiếp cùng các trường học, đoàn xã xây dựng thêm lò chứa vỏ bao thuốc BVTV trên các cánh đồng trong huyện. Việc triển khai mô hình thu gom vỏ bao thuốc BVTV sau sử dụng của Huyện Đoàn Yên Châu là kinh nghiệm hay để các cơ sở đoàn khác học tập và làm theo, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường và hoàn thành tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Hạnh Vi (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!