Đến hết năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Thuận Châu còn trên 34%, cao hơn nhiều so với bình quân của tỉnh. Với mục tiêu giảm nhanh số hộ nghèo, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, huyện đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.
Nông dân xã Mường Khiêng (Thuận Châu) nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La.
Ảnh: PV
Ông Nguyễn Đức Thặng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện, cho biết: Xác định công tác xóa đói, giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, huyện đã lồng ghép chương trình 135, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và một số chương trình, dự án khác để giúp người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với thế mạnh của từng địa phương. Giai đoạn 2016-2019, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Thuận Châu đã bố trí trên 25 tỷ đồng để thực hiện 88 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho hơn 4.200 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn. Tính riêng từ năm 2016 đến nay, huyện đã hỗ trợ 544 con bò giống cho 517 hộ nghèo trên địa bàn các xã.
Năm 2017, xã Tông Lạnh có 126 hộ được hưởng chính sách hỗ trợ bò giống với tổng số tiền gần 300 triệu đồng, trong đó 88 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có khả năng thoát nghèo. Để việc hỗ trợ đạt hiệu quả, xã đã chỉ đạo cán bộ thú y xã thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho các gia đình, nhờ đó đàn bò ngày một phát triển, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Ông Lò Văn Thơm, bản Củ, nói: Năm 2017, từ chương trình hỗ trợ sinh kế, gia đình tôi được hỗ trợ 1 con bò giống, đến nay, bò đã sinh sản, gia đình rất phấn khởi và tin tưởng sẽ thoát được nghèo.
Còn tại xã Phổng Lăng, thực hiện Chương trình 135, xã được hỗ trợ trên 600 triệu đồng để giúp nông dân có vốn sản xuất, nuôi thủy sản, đến nay, xã đã thành lập được 7 nhóm hộ nuôi thủy sản tại bản Dửn, Nà Cà và bản Bỉa. Anh Lò Văn Long, bản Dửn, chia sẻ: Trước đây, gia đình không có tiền để đầu tư nuôi thủy sản. Năm 2018, được sự hỗ trợ từ Chương trình giảm nghèo 135 cộng với số tiền tiết kiệm của gia đình, tôi đã đầu tư mở rộng diện tích ao nuôi cá từ 500 m² lên hơn 2.000 m², vụ cá đầu tiên cho thu hoạch gần 1 tấn cá thương phẩm, đến nay, gia đình đã có thu nhập ổn định, bình quân lãi khoảng 100 triệu đồng/năm, kinh tế gia đình ngày một phát triển và đã thoát nghèo.
Năm 2020, huyện Thuận Châu tiếp tục triển khai thực hiện 28 dự án về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp cho người dân. Đồng thời, huyện tiếp tục đầu tư về cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, mở rộng sản xuất, bao tiêu sản phẩm; xây dựng các mô hình liên kết mang tính bền vững, có trọng tâm, trọng điểm.
Thực tế công tác giảm nghèo của huyện Thuận Châu cho thấy, việc quan trọng nhất là tạo sinh kế hiệu quả để người dân có điểm tựa và khơi dậy ý chí vươn lên, giúp người dân thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, bắt nhịp với sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước thoát nghèo bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!