Thời gian gần đây, đã xuất hiện dịch bệnh từ động vật lây sang người, như: Cúm A/H5N1 lây nhiễm từ gia cầm sang người, bệnh do vi rút Ebola ở châu Phi. Chính vì vậy, Luật Chăn nuôi năm 2018 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020 đã quy định nghiêm cấm việc chăn nuôi trong thành phố, thị xã, thị trấn và khu dân cư với lộ trình thực hiện trong 5 năm tới. Quán triệt, triển khai thi hành Luật, tỉnh ta đang tổ chức xây dựng dự thảo Nghị quyết quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi phù hợp với yêu cầu phát triển đô thị.
Trang trại nuôi lợn của nông dân thôn Đoàn Kết, xã Chiềng Mung (Mai Sơn).
Lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực, đã góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 130.000 con trâu, hơn 343.700 con bò (25.400 con bò sữa), gần 590.000 con lợn, hơn 179.000 con dê và gần 7 triệu con gia cầm; có 421 trang trại chăn nuôi, trong đó có 407 trang trại bò sữa, 12 trang trại lợn và 2 trang trại gà. Chăn nuôi đang từng bước dịch chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang chăn nuôi gia trại, trang trại, sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, điển hình như: Nhà máy chế biến thức ăn cho bò sữa TMR và trang trại chăn nuôi bò sữa tại Mộc Châu, Vân Hồ. Trang trại nuôi lợn giống, lợn siêu nạc ứng dụng công nghệ cao tại Công ty cổ phần Chăn nuôi Lộc Phát; Công ty cổ phần chăn nuôi Minh Thúy, Công ty cổ phần Cao Đa... Công tác khuyến nông, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho người dân cũng được tích cực triển khai góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong chăn nuôi, cung cấp cho thị trường các sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Tuy nhiên, việc chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, xen kẽ trong khu dân cư ở tỉnh vẫn chiếm đa số. Theo thống kê, năm 2016, toàn tỉnh có gần 225.000 hộ chăn nuôi; việc xử lý chất thải chăn nuôi đã được các hộ quan tâm thực hiện nhưng chưa triệt để, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn xảy ra, nhất là tại các khu vực có mật độ dân số cao, các khu đô thị. Do vậy, ngay khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực, tỉnh ta đã chỉ đạo thực hiện các biện pháp di dời các cơ sở sản xuất chăn nuôi nằm đan xen trong các khu dân cư, khu đô thị, nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, nguy cơ lây lan dịch bệnh do hoạt động chăn nuôi, từng bước cải thiện môi trường. Đồng thời, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ, phát triển bền vững. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết đã quy định rõ các khu vực không được phép chăn nuôi tại Thành phố, gồm các phường: Tô Hiệu, Quyết Thắng, Chiềng Lề, Quyết Tâm và bản Cọ, bản Hài, bản Cá, tổ 1, tổ 2 phường Chiềng An; tổ 1, tổ 3, bản Bó Ẩn, bản Buổn, bản Mé Ban, bản Cóong Nọi, bản Chậu Cọ, phường Chiềng Cơi; từ tổ 1 đến tổ 8 phường Chiềng Sinh. Khu vực thị trấn các huyện, gồm: Các tổ, tiểu khu... Đối với huyện chưa thành lập thị trấn như Quỳnh Nhai, gồm các xóm: 1, 2, 3, 4, 5, xã Mường Giàng; huyện Sốp Cộp, gồm các bản: Hua Mường, Sốp Cộp, xã Sốp Cộp; huyện Vân Hồ, gồm: Tiểu khu Sao Đỏ 1, 2, bản Hang Trùng 1, 2, bản Suối Lìn, xã Vân Hồ...
Nội dung dự thảo Nghị quyết cũng nêu rõ chính sách và các mức hỗ trợ kinh phí di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh với mục tiêu hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chuồng trại chăn nuôi cho cơ sở chăn nuôi sau khi di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Hiện nay, tỉnh ta đang giao Sở Nông nghiệp &PTNT đánh giá thực trạng và lấy ý kiến tham gia của các sở, ngành, địa phương và người dân về các vấn đề liên quan để bổ sung hoàn chỉnh nội dung Nghị quyết quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Có thể thấy, việc xây dựng quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi là rất cần thiết để hiện thực hóa Luật Chăn nuôi năm 2018 và phù hợp với mong muốn của hầu hết người dân đô thị. Vì vậy, các cấp, các ngành, địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến tới mọi người dân, nhất là các hộ chăn nuôi về những quy định trong Luật Chăn nuôi năm 2018, bảo đảm sự đồng thuận cao trong xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị văn minh, hiện đại.
Điều 12, Luật Chăn nuôi năm 2018 nghiêm cấm hành vi chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư; trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường. Điều 4 của Luật quy định: Trong từng thời kỳ và khả năng của ngân sách nhà nước, Nhà nước hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi. |
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!