Hiện nay, trên mạng xã hội nở rộ hình thức bán thuốc online với rất nhiều loại thuốc được quảng cáo công dụng đặc biệt, chữa được bách bệnh như: sỏi thận, dạ dày, tăng cân, giảm cân... Việc kinh doanh thuốc online tràn lan đang khiến không ít người “tiền mất, tật mang”, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.
Nhiều trang mạng giao bán thuốc.
Chỉ cần chiếc máy vi tính hay điện thoại thông minh, ở bất kể đâu, cũng có thể tìm ra những trang web với vô vàn quảng cáo về cung cấp nhiều loại thuốc chữa bệnh hấp dẫn với đủ loại giá từ rẻ tiền đến các loại đặc trị đắt tiền. Người mua thuốc trên mạng khi lựa chọn sản phẩm, điền thông tin đặt hàng hoặc để lại số điện thoại sẽ có người gọi lại nhiệt tình “tư vấn miễn phí” và giao hàng tận nơi.
Điểm chung của tất cả những trang mạng rao bán thuốc chữa bệnh là dùng những lời có “cánh”, chữa được bệnh lại không cần đến bệnh viện và không tốn kém tiền đi lại... Vậy nhưng, rất khó biết đích xác người bán là ai và việc quảng cáo đó có được cấp phép không? Bởi việc đăng ký rao bán online cực kỳ đơn giản, cá nhân mỗi người có thể tự lập tài khoản trên mạng xã hội đăng bán thuốc hoặc liên hệ quảng cáo trên một website, mà chính ban quản trị website cũng không xác định được hàng thật hay hàng giả. Thậm chí một số trang chào mời những loại thuốc và cách điều trị mới cùng với những quảng cáo “bắt mắt” về công dụng của chúng. Nhưng những loại thuốc này thường là chưa được kiểm nghiệm.
Tài khoản Facebook lồng ghép tiếng vào phát thanh viên VTV để quảng cáo thuốc trá hình
Tìm hiểu trên địa bàn Thành phố, vừa qua có nhiều người dân mua thuốc trên mạng, bị lừa “treo đầu dê, bán thịt chó”. Trường hợp của ông Nguyễn Đức Hùng, tổ 7, phường Tô Hiệu (Thành phố), bị bệnh Gout đã nhiều năm, đầu năm vừa qua trong lúc đang đau chân, không đi lại được, ông lên mạng và đặt mua 3 lọ thuốc chữa Gout với lời quảng cáo “chữa khỏi luôn, khỏi ngay, không hết đau, không lấy tiền” với giá 2.100.000 đồng/lọ. Trong quá trình đặt hàng, ông được “tư vấn viên” nhiệt tình hỏi thăm bệnh tình, nhưng đến khi nhận thuốc mở ra là 3 lọ thuốc giảm đau không có nhãn hiệu, được đóng thủ công vào hộp nhựa trắng, khi uống có mùi vị gần giống thực phẩm chức năng nano fast, thị trường đang bán khoảng 1,4 triệu đồng/lọ. Gọi lại theo số điện thoại đăng trên trang mạng của Facebook bán thuốc, thì số máy không liên lạc được.
Còn chị Lường Thu Hoài, tổ 15, phường Quyết Thắng (Thành phố) tin vào lời quảng cáo của một người bán hàng trên mạng, đã khiến con gái phải nằm viện. Trao đổi với phóng viên, chị Hoài cho biết: Do con gái chị còi cọc, lười ăn uống, nên chị đã tin vào một trang Facebook rồi mua thuốc cho con uống, nhằm cải thiện sức khỏe và tăng cân. Sau gần 2 tuần sử dụng, mặt con gái chị bắt đầu sưng phù. Đi Bệnh viện, xác định bệnh nhân bị ngộ độc Corticoid nặng với chỉ số men gan cao hơn 4 lần cho phép, bị loãng xương, đặc biệt là bị suy thận...
Ông Trần Trọng Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế phụ trách mảng thuốc và biệt dược khuyến cáo: Corticoid là loại thuốc độc bảng B, có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm thường được dùng điều trị các bệnh miễn dịch, dị ứng... tuy nhiên lại bị lạm dụng trộn vào các loại mỹ phẩm, thuốc... với mục đích: làm trắng da, kích thích thèm ăn, giúp tăng cân... Thế nhưng hiệu quả này thật ra là “ảo” bởi corticoid chỉ giúp thèm ăn trong giai đoạn đang sử dụng, ngược lại, nếu đột ngột dừng thì cảm giác thèm ăn cũng biến mất ngay tức thì. Bên cạnh đó, corticoid vốn giữ nước nên cho người ta có cảm giác tăng cân.
Theo ông Trần Trọng Hải, khẳng định: Luật Dược năm 2016 đã quy định thuốc là loại hàng hóa đặc biệt và chỉ được bán lẻ dưới 4 hình thức: Nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc của trạm y tế xã, phường và cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Đây là loại hình kinh doanh có điều kiện, phải được cơ quan y tế thẩm định, kiểm tra, phải đạt thực hành tốt tiêu chuẩn bán lẻ thuốc (GPP). Trong đó, mỗi nhà thuốc bắt buộc phải có dược sĩ phụ trách chuyên môn có chứng chỉ hành nghề dược, có nhân viên bán thuốc, có cơ sở vật chất, trang thiết bị và quy trình để bảo đảm các hoạt động chuyên môn... Vì thế, tránh tiền mất tật mang, người dân không nên mua thuốc qua mạng Internet.
Hiện nay, việc kinh doanh thuốc qua mạng vẫn chưa kiểm soát được do những địa chỉ, thông tin trên mạng khi kiểm tra đều là các địa chỉ ảo. Để bảo đảm an toàn sức khỏe và tính mạng của mình, người mua thuốc theo quy định phải kê đơn, phải có chỉ dẫn của bác sĩ, nếu không sẽ rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!