Giải pháp bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp

Với chủ trương phát triển nông nghiệp sạch và bền vững, trong đó việc sử dụng các loại phân hữu cơ đang rất được quan tâm, đặc biệt là các loại phân sản xuất từ phụ phẩm nông nghiệp. Sử dụng loại phân bón này sẽ giúp người dân tạo ra sản phẩm sạch, không gây ô nhiễm môi trường, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học. Từ thành công của Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng sản xuất chế phẩm sinh học xử lý phế phẩm nông nghiệp (từ rơm rạ, vỏ cà phê) làm phân bón hữu cơ” sẽ góp phần vào xử lý phụ, phế thải nông nghiệp, bảo vệ môi trường và hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ bền vững"

 

Cán bộ nhóm thực hiện đề tài hướng dẫn bà con kỹ thuật sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ.

Theo thống kê, lượng phụ phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh là 5,5 triệu tấn/năm. Trong đó, phụ phẩm từ cây lúa 800.000 - 1.000.000 tấn, gồm rơm rạ, vỏ trấu; cây ngô 4 triệu - 5 triệu tấn, gồm thân ngô tươi, lõi ngô; cây sắn 30.000 - 50.000 tấn, gồm bã sắn, vỏ sắn; cây mía 320.000 - 380.000 tấn, gồm bã mía, rỉ mật, tro, bã bùn, ngọn lá mía; cây cà phê 160.000 - 170.000 tấn vỏ quả tươi. Với lượng phế, phụ phẩm lớn, nếu không xử lý tốt sẽ gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Với mục tiêu sản xuất loại chế phẩm phù hợp để xử lý phụ, phế phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, bổ sung nguồn phân bón tại chỗ, tiết kiệm chi phí cho sản xuất nông nghiệp, tăng hiệu quả kinh tế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Năm 2016, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ triển khai Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng sản xuất chế phẩm sinh học xử lý phế phẩm nông nghiệp (từ rơm rạ, vỏ cà phê) làm phân bón hữu cơ”, đề tài do kỹ sư Tòng Văn Thanh làm chủ nhiệm.

Sau hơn 2 năm triển khai, nhóm thực hiện đề tài đã phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ sinh học xây dựng và hoàn thiện 4 quy trình kỹ thuật bao gồm: Nhân giống vi sinh vật; bảo quản lưu giữ giống vi sinh vật; công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học Fito-Biomix RR và giám sát, đánh giá chất lượng chế phẩm; sản xuất được 300 kg chế phẩm Fito-Biomix RR phục vụ cho công tác thử nghiệm. Cùng với đó, triển khai mô hình xử lý phế phẩm nông nghiệp (rơm, rạ, vỏ cà phê) trên địa bàn 4 xã, phường: Muổi Nọi (Thuận Châu), Chiềng Ban (Mai Sơn), phường Chiềng Cơi, phường Chiềng Cọ (Thành phố), với sự tham gia của 58 hộ dân trên quy mô nghiên cứu thử nghiệm 6 ha cà phê và 3 ha lúa. Đồng thời, tiến hành xử lý 161 tấn rơm rạ, vỏ cà phê, với khối lượng phân hữu cơ thu được là 64,8 tấn phục vụ mô hình thí nghiệm trên cây lúa và cây cà phê. Kết quả phân tích, đánh giá tại các địa điểm xây dựng mô hình bón phân ủ hữu cơ cho thấy cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, khi bón phân hữu cơ từ vỏ cà phê, rơm, rạ vào đất đã bổ sung cho đất các chất dinh dưỡng cần thiết, cân đối cho cây trồng, tăng hàm lượng mùn, cải tạo độ tơi xốp, tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng, duy trì hàm lượng vi sinh vật có ích, hệ sinh vật này hoạt động phân giải các hợp chất cacbon trong đất thành các chất dễ hấp thụ cho cây, tỷ lệ các chất dinh dưỡng như: N, P2O5, K2O, hàm lượng đạm, lân, Kali đều tăng so với đối chứng.

Là một trong những hộ dân tham gia mô hình xử lý phế phẩm nông nghiệp, ông Lò Văn Dọn, bản Pột, phường Chiềng Cơi (Thành phố), cho biết: Năm 2017, gia đình tôi được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ hướng dẫn xử lý rơm, rạ bằng chế phẩm sinh học để làm phân bón hữu cơ, gia đình đã tận dụng toàn bộ rơm, rạ sau thu hoạch để làm phân bón, qua theo dõi thấy việc sử dụng phân bón hữu cơ rất phù hợp, cây phát triển tốt và năng suất cao, tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường.

Kỹ sư Tòng Văn Thanh, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thuộc sở Khoa học và Công nghệ, chủ nhiệm đề tài, cho biết: Phân hữu cơ sinh học là loại phân được sản xuất từ nguyên liệu hữu cơ theo quy trình lên men có sự tham gia của vi sinh vật sống có ích hoặc các tác nhân sinh học khác. Loại phân này được chế biến từ các nguyên liệu hữu cơ, như: Than bùn, mùn rác thải thành phố, phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp... phơi khô, nghiền nhỏ, ủ lên men với vi sinh vật có tuyển chọn. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm khuyến nông Thành phố tổ chức hội nghị đầu bờ đánh giá hiệu quả sử dụng chế phẩm Fito-biomix RR xử lý rơm rạ, vỏ cà phê làm phân bón cho cây trồng. Kết quả sử dụng chế phẩm Fito-biomix RR trong xử lý phế thải nông nghiệp làm phân bón hữu cơ cho thấy cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Với công nghệ đơn giản, dễ làm, giá thành thấp, thời gian xử lý nhanh, chỉ từ 25-30 ngày, đảm bảo kịp thời vụ nên có thể áp dụng rộng rãi tại các hộ dân, giảm bớt sự hao hụt chất dinh dưỡng trong đất, tiết kiệm chi phí cho sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng hiệu quả kinh tế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bổ sung nguồn phân bón hữu cơ cho cây trồng, nhằm phát triển nông nghiệp bền vững.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới