Đưa vào khai thác 24 tuyến cố định tại Bến xe Miền Đông

Ngày 22/9, Bến xe Miền Đông (TP Hồ Chí Minh) tổ chức họp báo công bố đưa Bến xe Miền Đông mới (Q.9, TP Hồ Chí Minh) vào hoạt động từ ngày 10/10. Đây được kỳ vọng sẽ giảm ùn tắc giao thông tại khu vực trung tâm thành phố.

  Từ ngày 10/10, Bến xe Miền Đông mới đi vào hoạt động.

Theo đó, giai đoạn 1 sẽ có 24 tuyến cố định ở Bến xe Miền Đông đi các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị trở ra Bắc sẽ hoạt động và thực hiện xuất bến tại Bến xe Miền Đông mới.

Ngoài ra, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vận tải và thói quen đi lại của người dân, trong thời gian 3 tháng đầu, các đơn vị vận tải thuộc 24 tuyến phải di dời, tạm thời được tiếp tục lưu đậu và đón trả khách tại Bến xe miền Đông hiện hữu (quận Bình Thạnh), trước khi đến Bến xe miền Đông mới tại quận 9 hoàn tất các thủ tục xuất bến theo quy định. Tại bến xe hiện hữu, được tổ chức bán vé ủy thác cho các tuyến đường có đầu bến tại Bến xe miền Đông mới.

Bên cạnh đó, giai đoạn đầu khi bến xe mới khai thác có hai tuyến xe buýt 603 và 604 kết nối trực tiếp từ bến xe hiện hữu ngang qua bến mới và còn nhiều tuyến xe buýt khác có lộ trình đi qua bến xe mới như 150, 601, 602, 55, 76, 67...

Kiến nghị Bến xe Miền Đông mới cần tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho các doanh nghiệp chuẩn bị di chuyển, Ông Lê Thanh Quang, phụ trách điều hành Công ty CP vận tải tốc hành Mai Linh đề nghị: Bến xe cần hỗ trợ doanh nghiệp được ghép phòng vé để giảm chi phí. Khi di dời ra bến mới, nếu giữ lại phòng vé ở bến cũ thì đội chi phí còn nếu ủy thác cho bến thì doanh thu sụt giảm. Cùng với đó, yêu cầu thanh tra cũng như công an tạo điều kiện hỗ trợ Bến xe Miền Đông cũ và mới giải quyết vấn nạn xe dù bến cóc để các doanh nghiệp yên tâm kinh doanh. 

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Dũng, HTX vận tải Dịch vụ Du lịch Sài Gòn cho rằng, Bến xe cần tạo điều kiện giảm bớt thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đỡ chi phí.

Tại buổi họp báo, một số doanh nghiệp nêu ý kiến về việc giảm bớt thủ tục hành chính như kê khai giá vé để đỡ mất thời gian làm lại, giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp…

Trả lời các doanh nghiệp,  ông Nguyễn Hoàng Huy, Tổng giám đốc Bến xe Miền Đông cho biết, để chủ động cho di dời các tuyến xe, Bến xe miền Đông đã thông tin đến doanh nghiệp vận tải làm thủ tục, ký hợp đồng với bến mới. Đồng thời, các đơn vị cũng cần tuyên truyền, hướng dẫn cho khách bằng những hình thức treo băng rôn, trên kênh thông tin...

Theo ông Huy, để không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp, kiến nghị Sở GTVT tạm thời vẫn sử dụng một số tuyến ở bến cũ cho đến khi Bến xe Miền Đông mới hoạt động ổn định.

Dự án bến xe Miền Đông mới khởi công tháng 4/2017 trên diện tích 16ha, tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 khoảng 740 tỷ đồng. Đây là bến xe lớn nhất nước, có thể phục vụ hơn 7 triệu lượt khách mỗi năm.

Công trình gồm khu A là bến bãi, công trình công cộng (chiếm hơn 76% tổng diện tích); khu B trạm xe buýt (cao 2 tầng); khu C kho trung chuyển và giao dịch hàng hóa (cao 5 tầng); khu D thương mại dịch vụ (cao 15 tầng). Riêng nhà ga được xây dựng với kết cấu gồm 2 tầng hầm và 4 tầng nổi.

Sau nhiều lần lỡ hẹn, bến xe Miền Đông mới có quy mô lớn nhất nước sẽ chính thức đưa vào hoạt động vào ngày 10/10/2020./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới