Phó Giám đốc Trung tâm CNTT – BHXH Việt Nam Nguyễn Hoàng Phương cho biết, năm 2019, ngành BHXH tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT ; triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, trong đó tiếp tục cập nhật mã số và đồng bộ thông tin định danh người tham gia; quản lý dữ liệu thu nộp BHXH, dữ liệu chi trả BHXH, quá trình hưởng và quá trình tham gia, thông tin đơn vị tham gia BHXH….
Cuộc tọa đàm "BHXH Việt Nam ứng dụng CNTT: Nhiều lợi ích cho người dân" do CTTĐT Chính phủ phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức ngày 18/12 tại Hà Nội. Khách mời tới tham dự buổi toạ đàm có các ông Nguyễn Hoàng Phương – Phó Giám đốc Trung tâm CNTT – BHXH Việt Nam; Vũ Đức Thuật – Phó Giám đốc BHXH TP.Hà Nội.
Tại buổi toạ đàm, Ông Vũ Đức Thuật – Phó Giám đốc BHXH Hà Nội chia sẻ, Hà Nội là 1 trong số địa phương có số đơn vị tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp lớn nhất cả nước, hiện đang quản lý 70 nghìn đơn vị với trên 1,6 triệu lao động tham gia BHXH, 6,5 triệu người tham gia BHYT, tổng số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của Hà Nội chiếm khoảng 10% tổng thu của cả nước.
Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, BHXH Hà Nội đặc biệt coi trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành. Là đơn vị tiên phong trong triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trong thủ tục cấp Giấy khai sinh - hộ khẩu - cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi đạt, tại 30 quận, huyện, thị xã với 584 xã, phường, và chuyển kết quả qua dịch vụ bưu chính. Hiện đã rút ngắn thời gian cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi xuống dưới 2 ngày đối với địa bàn quận và dưới 3 ngày đối với địa bàn huyện.
Hiện nay, Hà Nội đang triển khai thí điểm việc kết nối liên thông kết quả thu, nộp BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của các đơn vị sử dụng lao động với cơ quan BHXH nhằm giúp cơ quan BHXH nắm bắt, tổng hợp nhanh số liệu thu, nộp BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; phấn đấu thực hiện về kê khai, thu nộp BHXH, BHYT mức độ 4.
BHXH Thành phố đã triển khai thử nghiệm việc kết nối giữa phần mềm xét duyệt các chế độ ngắn hạn với phần mềm quản lý thu và hệ thống thông tin giám định BHYT để kiểm soát việc giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, xác định đối tượng có đi khám chữa bệnh, sinh con hay có được cấp thẻ BHYT trẻ em dưới 6 tuổi hay không. Bước đầu năm 2017 đã phát hiện 15 trường hợp bệnh viện xác định không cấp giấy nghỉ ốm, có trường hợp cấp khống với số tiền 5,8 triệu đồng. Từ đó xây dựng quy trình ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát nhằm ngăn chặn tình trạng lạm dụng quỹ, gây thất thoát quỹ ốm đau, thai sản.
BHXH Thành phố đang triển khai thí điểm việc đăng ký KCB BHYT tại 1 bệnh viện của Thành phố thông qua hệ thống sinh trắc học vân tay. Người đi khám chỉ cần quét vân tay sẽ hiện dữ liệu về thẻ BHYT, ảnh của người khám kèm theo lịch sử KCB trên hệ thống. Qua đó giúp cơ sở KCB và cơ quan BHXH tiếp đón bệnh nhân đăng ký khám nhanh gọn, chính xác, cũng nhờ đó sẽ giúp giảm thời gian chờ xếp hàng của người bệnh.
Cũng tại buổi tọa đàm, Ông Nguyễn Hoàng Phương – Phó Giám đốc Trung tâm CNTT – BHXH Việt Nam cho biết, năm 2019, ngành tiếp tục triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, trong đó tiếp tục cập nhật mã số và đồng bộ thông tin định danh người tham gia; quản lý dữ liệu thu nộp BHXH, dữ liệu chi trả BHXH, quá trình hưởng và quá trình tham gia, thông tin đơn vị tham gia BHXH…. Trên cơ sở đó, BHXH Việt Nam sẽ đề xuất các “hành lang” pháp lý cần thiết và tiến hành liên thông, cung cấp thông tin, dữ liệu với các Bộ, Ngành, địa phương và doanh nghiệp nhằm góp phần vào việc kiến tạo Chính phủ điện tử cả quốc gia.
Lãnh đạo BHXH Việt Nam chỉ đạo các đơn vị thực hiện đầy đủ các quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT.
Đồng thời, trên nền tảng ứng dụng CNTT những năm vừa qua, Ngành BHXH đang khẩn trương xây dựng hệ sinh thái 4.0. Theo đó, Ngành BHXH phục vụ người dân và doanh nghiệp với các dịch vụ: Dịch vụ tin nhắn (SMS); dịch vụ thanh toán trực tuyến; Ứng dụng BHXH trên thiết bị di động; hệ thống Chatbot hỗ trợ khách hàng (trả lời chính sách BHXH, BHYT tự động bằng trí tuệ nhân tạo, tăng tính tương tác cao với người tham gia, cung cấp thông tin đóng, hưởng BHXH, BHYT và dự tính mức hưởng nhằm phục vụ người dân tốt hơn); Phân tích, khai thác được lượng dữ liệu rất lớn của Ngành trên BIGDATA; Thiết lập Fanpage truyền thông trên hệ thống mạng xã hội; cung cấp tất cả các dịch vụ công có thể lên cấp độ 4.
Số thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH thời gian qua đã được cắt giảm từ 115 xuống còn 33 thủ tục, số lượng hồ sơ, biểu mẫu, tờ khai giảm 56%, các chỉ tiêu trên tờ khai, mẫu biểu giảm 82%; quy trình thao tác nghiệm vụ giảm 78%. Thay vì mất hàng giờ DN, NLĐ trực tiếp đến cơ quan BHXH làm thủ tục thì nay chỉ tiêu tốn 10 phút kê khai bảo hiểm xã hội điện tử. Từ 81 giờ giao dịch hằng năm hiện nay rút xuống còn 45 giờ/năm.
Một trong những thành công trên có được từ hệ thống CNTT của ngành BHXH được tích hợp, tập hợp hệ thống quốc gia, hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế. Toàn bộ ứng dụng CNTT ngành BHXH được triển khai theo khung kiến trúc Chính phủ điện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành.
Những đột phá mạnh mẽ về cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các hoạt động nghiệp vụ của ngành BHXH đang ngày càng đáp ứng tốt hơn mục tiêu phục vụ đơn vị, NLĐ và người dân.
Buổi tọa đàm đã đề cập được những thành quả đạt được và những khó khăn, thách thức trong việc triển khai hệ thống CNTT của ngành BHXH Việt Nam. BHXH Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu điện tử về quản lý BHXH liên thông, hiện đại với công nghệ mới nhất, hứa hẹn mang lại diện mạo mới cho ngành BHXH trong việc quản lý, cung cấp dịch vụ theo hướng tập trung, nhanh chóng, chính xác; hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội bền vững./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!