Vụ lúa xuân năm nay, nông dân toàn tỉnh gieo cấy hơn 3.000 ha lúa xuân sớm, gần 10.200 ha lúa chính vụ và gần 650 ha lúa xuân muộn.
Nông dân xã Dồm Cang (Sốp Cộp ) phun thuốc trừ rầy nâu, rầy lưng trắng trên lúa.
Để bảo vệ diện tích lúa phát triển tốt, các cơ quan chuyên môn đang tăng cường điều tra, dự báo tình hình sâu bệnh, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ hiệu quả.
Theo điều tra của Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh, hiện nay trên lúa xuân sớm cuối thời kỳ đẻ nhánh xuất hiện rầy lưng trắng, rầy nâu hại với mật độ 240 con/m2, có nơi mật độ cao 970 con/m2, cục bộ 1.200 con/m2, mật độ ổ trứng phổ biến 42 ổ/m2, cao 200 ổ/m2. Trứng rầy có mật độ phổ biến 80 quả/m2, cao 1.400 quả/m2, diện tích nhiễm hơn 6 ha tại huyện Yên Châu, Sông Mã và Mường La. Bệnh đốm sọc vi khuẩn và bệnh đạo ôn hại cục bộ tại huyện Yên Châu với diện tích nhiễm nhẹ 2,5 ha. Trên lúa xuân chính vụ đang thời kỳ đẻ nhánh rộ cũng xuất hiện rầy lưng trắng, rầy nâu hại với mật độ phổ biến 235 con/m2, cao 1.110 con/m2, cục bộ 1.110 con/m2, mật độ ổ trứng phổ biến 26 ổ/m2, cao 70 ổ/m2, diện tích nhiễm 1,6 ha tại huyện Mường La và Bắc Yên. Ốc bươu vàng hại trên diện tích nhiễm 2,5 ha tại huyện Mai Sơn và Thành phố. Trên lúa xuân muộn đang thời kỳ đẻ nhánh xuất hiện rầy lưng trắng, rầy nâu hại với mật độ phổ biến 84 con/m2, cao 270 con/m2, mật độ ổ trứng phổ biến 5 ổ/m2, cao 15 ổ/m2. Ruồi đục nõn và bệnh nghẹt rễ hại diện tích nhiễm cũ 10 ha tại Vân Hồ...
Trước tình hình trên, Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật các huyện, thành phố hướng dẫn nông dân diệt trừ sâu bệnh tại các điểm dịch hại phát triển mạnh trên cây lúa có nguy cơ lây lan. Đồng thời, yêu cầu Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật các huyện, thành phố phối hợp với các cơ quan chuyên môn địa phương đôn đốc, hướng dẫn nông dân chủ động phòng, trừ sâu bệnh. Tiếp tục duy trì, theo dõi diễn biến tình hình sâu hại ở những nơi lúa đang bị nhiễm bệnh để tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các biện pháp diệt trừ hiệu quả, giúp cây lúa phục hồi nhanh và sinh trưởng tốt. Ông Hà Văn Lán, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Từ nay đến tháng 6, thời tiết trên địa bàn tỉnh có thể sẽ tiếp tục xuất hiện ban ngày có nắng nóng, đêm và sáng có mưa rào rải rác, tạo điều kiện cho nhiều loại sâu bệnh phát triển nhanh phá hoại cây lúa, như: Bệnh rầy nâu, rầy lưng trắng, lùn sọc đen, sâu đục thân, bệnh đạo ôn, bạc lá, khô vằn, vàng lá, lùn xoắn lá, châu chấu, chuột, sâu cuốn lá nhỏ... Để giúp bà con phát hiện sớm và chủ động phòng trừ sâu bệnh hại lúa chiêm xuân, Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ tăng cường điều tra, phát hiện sớm sâu bệnh để tuyên truyền, hướng dẫn bà con các biện pháp phòng trừ. Đặc biệt từ nay đến giữa tháng 5, tập trung hướng dẫn bà con phát hiện và tiêu diệt sớm bệnh đạo ôn và diệt trừ sâu cuốn lá nhỏ, nhằm bảo vệ lá đòng cho các trà lúa xuân sớm và chính vụ. Đồng thời, tích cực theo dõi diễn biến rầy nâu, rầy lưng trắng, ốc bươu vàng, châu chấu, chuột... để có kế hoạch phòng trừ hiệu quả.
Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một vài cơn mưa đầu mùa, cộng với nắng nóng ban ngày đã làm cho độ ẩm không khí tăng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại côn trùng, sâu hại lúa phát triển. Để hạn chế thấp nhất sâu bệnh hại lúa, các cơ quan chuyên môn cần thường xuyên bám sát địa bàn, theo dõi quá trình phát triển của cây lúa để nhanh chóng phát hiện sâu bệnh, kịp thời tuyên truyền, hướng dẫn nông dân cách phòng trừ hiệu quả, không để sâu bệnh lan ra diện rộng. Đồng thời tăng cường quản lý Nhà nước về việc buôn bán thuốc BVTV. Cùng với đó, bà con cần thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, cắt sạch cỏ bờ, giữ đủ nước không để ruộng cạn. Các địa phương cần khẩn trương sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, khơi thông dòng chảy, đảm bảo cho việc tưới tiêu và thoát lũ, tránh cho lúa không bị ngập úng lâu ngày trong mùa mưa sắp tới.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!