Những ngày gần đây, trên các phương tiện truyền thông đã thông tin về bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò, xuất hiện tại tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng, có nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao. Theo cơ quan chuyên môn, đây là bệnh mới ở gia súc, lần đầu tiên xuất hiện và tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Chính vì vậy, công tác phòng, chống dịch vào thời điểm này đang rất cấp thiết nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho các hộ chăn nuôi.
Bò mắc bệnh viêm da nổi cục.
Ảnh: Tư liệu
Theo cơ quan chuyên môn, bệnh viêm da nổi cục là bệnh truyền nhiễm do virus thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò và không lây bệnh sang người. Virus này có sức đề kháng cao như virus gây ra bệnh dịch tả lợn châu Phi và có thể tồn tại ngoài môi trường từ 1 đến 3 tháng. Bệnh lây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt như: Muỗi, ruồi, ve; tiếp xúc giữa gia súc bệnh và gia súc khỏe mạnh; bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch; thời gian ủ bệnh trung bình 4-14 ngày… Trâu, bò mắc bệnh thường có những dấu hiệu: Sốt cao (có thể trên 41oC), bỏ ăn, suy nhược và gầy yếu. Giảm khả năng tiết sữa rõ rệt ở gia súc đang cho con bú; viêm mũi, viêm kết mạc và tiết nhiều nước bọt; sưng hạch bạch huyết bề mặt (hạch trước vai, hạch sau đùi). Hình thành các nốt sần có đường kính từ 2-5 cm, đặc biệt là ở da đầu, cổ, chân, bầu vú, cơ quan sinh dục và đáy chậu trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu phản ứng sốt. Các nốt sần này có hình tròn, chắc và nhô cao trên da, mô dưới da và đôi khi cả các cơ bên dưới. Các nốt sần lớn có thể bị hoại tử và cuối cùng là xơ hóa và tồn tại trong vài tháng, để lại các vết sẹo có thể tồn tại vĩnh viễn. Các mụn nước, vết hoại tử và vết loét có thể xuất hiện ở màng nhầy của miệng và đường tiêu hóa cũng như trong khí quản và phổi. Chân và các bộ phận vùng bụng khác của cơ thể, như bao da, ức, bìu và âm hộ có thể bị tiết dịch, khiến con vật không muốn di chuyển. Bò đực có thể bị vô sinh vĩnh viễn hoặc tạm thời. Bò mang thai có thể sảy thai và động dục trong vài tháng. Tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh và chết khoảng 1-5%. Biện pháp phòng chống bệnh, ngoài phun tiêu độc khử trùng, biện pháp phòng, chống bệnh tốt nhất là các hộ chăn nuôi trâu, bò cần chủ động phun thuốc diệt muỗi, ve, ruồi xung quanh khu vực chăn nuôi; hạn chế việc chăn thả rông, chủ động nguồn thức ăn tại chỗ cho trâu, bò. Đặc biệt là không vận chuyển trâu, bò ra, vào vùng có dịch; thường xuyên rắc vôi bột tại khu vực chuồng trại. Hiện, trên thế giới đã có vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục; các cơ quan chức năng đang khẩn trương nhập khẩu để tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng và hướng dẫn sử dụng vắc-xin.
Ông Lừ Văn Trường, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Sơn La, cho biết: Từ tháng 8/2020, Chi cục đã nhận được văn bản của Cục Thú y về việc chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò. Theo đó, Chi cục đã tham mưu Sở NN&PTNT tỉnh ban hành văn bản số 2538/SNN-CNTYTS ngày 27/8/2020 về việc chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò gửi các huyện, thành phố và các cơ quan chức năng chủ động triển khai các biện pháp tuyên truyền người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ trâu, bò và các sản phẩm trâu, bò nhập lậu vào địa bàn; tăng cường thông tin tuyên truyền, đến người chăn nuôi hiểu rõ về sự nguy hiểm của bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò để thực hiện đồng bộ các biện pháp kiểm soát nguy cơ xâm nhiễm vào địa bàn. Đối với các huyện có đường biên giới giáp với nước CHDCND Lào, cần chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng ngăn ngừa triệt để nhập lậu trâu, bò và các sản phẩm trâu, bò trái phép qua biên giới; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, đồng thời tiêu hủy trâu, bò và các sản phẩm trâu, bò nhập lậu không có nguồn gốc theo đúng quy trình, quy định hiện hành. Phòng Nông nghiệp phối hợp với Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp tham mưu công tác chỉ đạo tuyên truyền và phân công cán bộ phụ trách điểm, xã thường xuyên xuống cơ sở hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và triển khai các giải pháp phòng, chống xâm nhiễm bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò vào địa bàn. Đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Chi cục Hải quan tỉnh, Cục Quản lý thị trường chỉ đạo các bộ phận chức năng phối hợp với UBND các địa phương, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y tăng cường tuần tra, kiểm soát chống buôn lậu trâu, bò và các sản phẩm trâu, bò vào địa bàn tỉnh tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở; tuyệt đối không cho phép buôn bán, vận chuyển trâu, bò và các sản phẩm trâu, bò không rõ nguồn gốc qua biên giới; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
Cùng với đó, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Sơn La cũng tích cực chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan và chính quyền các cấp tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, nhất là địa phương biên giới, cửa khẩu có nguy cơ bị xâm nhiễm bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò tăng cường biện pháp kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại địa phương theo quy định hiện hành. Tổ chức giám sát chặt chẽ, hướng dẫn lấy mẫu đối với trâu, bò có dấu hiệu bị bệnh, nghi bệnh gửi Cục Thú y xét nghiệm, xác định nguyên nhân gây bệnh. Chủ động theo dõi, giám sát chủ động phát hiện các trường hợp trâu, bò mắc bệnh và tiêu hủy trâu, bò mắc bệnh theo đúng quy trình, quy định hiện hành.
Để chung tay phòng, chống bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò có hiệu quả, tránh thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra, các hộ chăn nuôi và người dân cần tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở gia súc. Tuyệt đối không giấu dịch; không mua bán vận chuyển trâu, bò bệnh hoặc chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt trâu, bò bệnh hoặc chết; không vứt xác trâu, bò chết ra môi trường; khi phát hiện gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh thì phải báo ngay chính quyền và cơ quan chức năng lấy mẫu bệnh xét nghiệm.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!