Thời điểm giao mùa, nhiệt độ thay đổi liên tục, tạo điều kiện cho các mầm bệnh phát triển và lây lan, như: Cảm cúm, chân - tay - miệng, sởi, viêm đường hô hấp... đối tượng chủ yếu là người già và trẻ nhỏ, đặt biệt là ở những người có hệ miễn dịch yếu, sức đề kháng suy giảm, vi rút gây bệnh dễ dàng xâm nhập.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phun hóa chất phòng, chống dịch bệnh
tại Trường Tiểu học thị trấn Hát Lót (Mai Sơn).
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trong thời điểm giao mùa, ngành Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trung tâm y tế các huyện, thành phố kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là các ổ dịch cũ, những vùng có nguy cơ cao xảy ra bệnh truyền nhiễm, khu vực tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc thông tin báo cáo, khai báo dịch tễ để xử lý, điều trị kịp thời, không để các ổ dịch phát sinh và lây lan trong cộng đồng. Thành lập các đội cơ động, phản ứng nhanh chống dịch tại các địa phương. Đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của nhân dân để chủ động phòng ngừa các bệnh chuyển mùa. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức truyền thông trực tiếp tại xã, bản, các cơ quan, xí nghiệp, trên hệ thống loa truyền thanh của xã, bản cho 283.000 lượt người; phát 147.000 tờ rơi về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Tổ chức phun hóa chất phòng dịch cho 36.500 hộ gia đình và các trường học; huy động 58.825 hộ dân tham gia vệ sinh môi trường, xử lý rác thải...
Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch, tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm so với thời điểm cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giảm 30% số ca mắc bệnh cúm mùa; giảm 25% số ca lao phổi; giảm 26% số ca lỵ trực trùng... Tuy nhiên, đã xuất hiện 1 ổ dịch cúm tại xã Chiềng Mung (Mai Sơn); 3 ổ dịch sởi tại xã Hồng Ngài (Bắc Yên), Suối Tọ, Suối Bau (Phù Yên); dịch sốt xuất huyết Dengue tại huyện Mai Sơn và bệnh tay - chân - miệng tại xã Tú Nang (Yên Châu). Riêng bệnh sốt xuất huyết Dengue, sau 2 năm toàn tỉnh không có ca bệnh, nhưng từ ngày 2/8 đến hết ngày 30/9 đã có 72 ca mắc bệnh tại các huyện Mai Sơn, Thành phố, Phù Yên, Mộc Châu, Vân Hồ. Ngay sau khi phát hiện các ca bệnh, ngành Y tế đã thành lập đoàn công tác điều tra dịch tễ; chỉ đạo các đơn vị y tế khẩn trương giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm chẩn đoán, triển khai các hoạt động phòng, chống dịch tại cộng đồng. Cùng với đó, tăng cường truyền thông lưu động hướng dẫn người dân vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường phòng ngừa nhiễm bệnh; tổ chức phun hóa chất phòng dịch tại các khu vực có nguồn bệnh và những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao. Với các ca mắc bệnh nặng tiến hành cách ly điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh kịp thời... Đến thời điểm hiện tại, đợt dịch trên đã được khống chế, hạn chế thấp nhất dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
Theo dự báo của ngành Y tế, hiện nay đang trong thời điểm giao mùa, một số bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng đột biến. Vì vậy, ngoài triển khai các biện pháp chuyên môn, ngành Y tế khuyến cáo người dân hạn chế đến những nơi đông người, tránh tiếp xúc với những người có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp.. Thực hiện ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao sức đề kháng; quan tâm vệ sinh môi trường sống, đảm bảo vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh,nhất là đối với trẻ nhỏ và người có bệnh mãn tính. Khi có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà, mà đến ngay các cơ sở khám, chữa bệnh để được chẩn đoán, điều trị kịp thời; thực hiện tốt công tác tiêm chủng đầy đủ cho trẻ theo khuyến cáo của ngành Y tế.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!