Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn, thời tiết vụ đông - xuân năm 2018-2019 tiếp tục diễn biến phức tạp, có thể xảy ra nhiều đợt rét đậm, rét hại dài ngày làm ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, chăn nuôi. Ðể bảo vệ và hạn chế thấp nhất thiệt hại, người chăn nuôi cần chủ động thực hiện hàng loạt biện pháp hữu hiệu phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi ngay trước khi mùa đông đến.
Bình luận vấn đề, ông trung niên cảnh báo:
- Theo thống kê chưa đầy đủ, tỉnh ta có đàn đại gia súc lên tới hàng trăm nghìn con. Đại đa số chăn nuôi theo hình thức bán chăn thả, có chuồng trại, nơi nuôi nhốt tập trung. Tuy nhiên, vẫn xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là của một bộ phận người chăn nuôi trong việc tiêm phòng, chống rét, dự trữ thức ăn cho đàn gia súc, nếu xảy ra rét đậm, rét hại kéo dài, kèm theo mưa lạnh và nhiệt độ thấp dưới 120C - 150C thì nguy cơ đe dọa sự phát triển đàn đại gia súc là rất lớn. Thêm nữa, đồng bào một số nơi ở vùng sâu, vùng xa vẫn giữ tập quán thả rông gia súc, chưa có biện pháp phù hợp chăm sóc trâu, bò già yếu và bê, nghé non...
Tỏ ra thông thạo, anh chàng nhỏ thó vanh vách:
- Vào mùa giá rét, trâu, bò cày kéo cần có chế độ làm việc thích hợp, nếu những ngày nhiệt độ xuống dưới 120C bà con nông dân nên nhốt trâu bò tại chuồng, không thả rông ngoài trời, thiếu người chăn dắt, quản lý. Ngay thời điểm này, chủ động dự trữ cả thức ăn thô, khô và các loại phụ phẩm nông nghiệp, như: Rơm, cỏ khô, lá mía, thân chuối, cùng các loại thức ăn tinh, nhiều khoáng chất, vitamin các loại, tăng cường sức đề kháng cho gia súc. Nên cho gia súc ăn một ngày khoảng 25-30 kg cỏ xanh, cỏ ủ, rơm khô, thân chuối, lá mía.v.v., bổ sung từ 1-2 kg thức ăn tinh, gồm: Bột ngô, sắn, cám gạo, rỉ mật... đối với trâu bò trưởng thành, kèm theo muối ăn hòa trong nước uống. Chú ý cách ly, chăm sóc những con yếu ốm, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh theo quy định; thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, nơi nuôi nhốt tập trung...
Xem chừng ưng ý, bác da ngăm ngăm vẫn nhấn thêm:
- Biện pháp hữu hiệu nhất vẫn phải là tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng để phòng chống đói, rét và dịch bệnh. Cần chủ động cải tạo, gia cố, che chắn, đảm bảo chuồng trại đủ ấm, không bị gió lùa, mưa hắt làm ẩm ướt nền chuồng, nếu nhiệt độ xuống quá thấp nên chống rét cho gia súc bằng cách mặc áo rơm, chăn cũ, bao tải...; thường xuyên thay mới chất độn chuồng, đảm bảo vệ sinh, định kỳ phun thuốc khử trùng 2-3 tuần/lần để hạn chế mầm bệnh phát triển. Dự trữ các loại củi, trấu, mùn cưa... để đốt, sưởi cho gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại.
Xoa tay, gương mặt ông trung niên giãn hẳn ra:
- Các chú nói chính xác! Các địa phương cần xây dựng phương án cụ thể, không để gia súc chết đói, chết rét; thường xuyên rà soát, lập danh sách số hộ chăn nuôi có chuồng trại kiên cố, số không có hoặc mới có chuồng trại tạm bợ; chú ý kiểm tra công tác dự trữ thức ăn, việc tiêm phòng cả định kỳ và đột xuất, rồi vệ sinh thú y, tiêu độc khử trùng. Duy trì phong trào nuôi nhốt vỗ béo trâu, bò; nhân rộng các mô hình trồng cỏ năng suất, chất lượng cao, phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng và canh tác của đồng bào, như: Cỏ voi, VA06, Paspalum Attatum, Brizantha, Stylo... Ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, chính quyền địa phương quyết liệt chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn bảo vệ an toàn đàn gia súc; tập huấn kỹ thuật trồng cỏ, duy trì các CLB, nhóm sở thích... Đồng thời, cập nhật liên tục diễn biến thời tiết, thông tin kịp thời và thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi biết, không chủ quan và bị động trong việc phòng chống đói, rét cho đàn gia súc.
Nguyễn Quang
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!