Cảnh giác với các “chiêu” lừa đảo của tội phạm công nghệ cao

Thời gian qua, không ít người dân đã bị lừa đảo bởi bọn tội phạm công nghệ cao thông qua nhiều thủ đoạn tinh vi. Để ngăn chặn tình trạng này, lực lượng chức năng đã và đang đẩy mạnh công tác đấu tranh. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là mỗi người dân cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác, thận trọng, tránh bị “sập bẫy” của kẻ xấu.

Khoa học công nghệ ngày càng phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh những thành tựu, còn những mặt trái mà chúng ta không mong muốn là khoa học công nghệ bị lợi dụng sử dụng vào nhiều hoạt động phạm tội và được thế giới gọi chung là tội phạm sử dụng công nghệ cao. Đây là loại tội phạm mới, đang có xu hướng phát triển, diễn biến hết sức phức tạp, đa dạng và khó lường trên quy mô toàn cầu, là mối đe dọa to lớn đối với sự ổn định, phát triển của các quốc gia và được xác định là một trong những nguy cơ, thách thức lớn nhất của cộng đồng quốc tế. Tại Việt Nam, thời gian gần đây, tình hình tội phạm công nghệ cao diễn ra trên phạm vi cả nước, với nhiều hình thức ngày càng tinh vi hơn, số lượng vụ bị lừa đảo ngày càng tăng cao, gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản và khiến người dân bức xúc, lo lắng.

Mới đây, chị Hà Thị G ở thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn (Sơn La) đã bị các đối tượng tội phạm công nghệ cao rút gần 2 tỷ đồng trong tài khoản.  Với chiêu lừa đảo gửi tin nhắn giả danh nhà mạng nội dung: “Thông báo khách hàng đã đăng ký, kích hoạt dịch vụ có mức phí sử dụng mỗi tháng từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng, nếu muốn hủy dịch vụ thì truy cập vào đường dẫn http://...”, chị G do mất cảnh giác, lầm tưởng tin nhắn của nhà mạng thật nên đã truy cập vào đường dẫn trong tin nhắn  trên và làm theo yêu cầu, cung cấp thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng... Cuối cùng, chị đã bị lừa.

Trường hợp như chị G không phải là ít và thậm chí có rất nhiều người ở các thành phố lớn cũng đã mắc “chiêu trò” của kẻ xấu. Tại Bình Dương, chỉ riêng 10 tháng đầu năm 2022, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh đã tiếp nhận 44 tin báo, tố giác tội phạm (chưa kể các tố giác, tin báo do các đơn vị khác tiếp nhận), gây thiệt hại tài sản của người dân trị giá gần 100 tỷ đồng.

Tại TP Hồ Chí Minh, tình hình tội phạm công nghệ cao trong thời gian gần đây có chiều hướng gia tăng. Trước thực tế trên, đầu năm 2021, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) - Công an TP Hồ Chí Minh đã được thành lập. Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, đơn vị đã phát hiện, phối hợp xử lý hàng trăm vụ vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Đặc biệt, vào dịp cuối năm, dự báo tình hình tội phạm sẽ có diễn biến phức tạp, trong đó có nhóm tội phạm công nghệ cao. Do đó, các lực lượng chức năng đã tập trung trấn áp tội phạm.  

Vào tối 28/12, Công an quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) đã phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao-Bộ Công an, cùng các đơn vị nghiệp vụ Công an TP Hồ Chí Minh vừa tiến hành khám xét và tạm giữ hình sự 86 đối tượng để làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông. Bước đầu, Cơ quan Công an xác định các đối tượng giả danh là nhân viên của ngân hàng phát hành thẻ tín dụng, gọi điện thoại tư vấn các chủ thẻ tín dụng rút tiền mặt qua phần mềm. Sau khi nạn nhân đồng ý, các đối tượng yêu cầu chụp hình 2 mặt thẻ tín dụng và cung cấp mã OTP; sau đó chúng thực hiện quẹt thẻ thông qua các gian hàng trên một website để chuyển đổi tiền từ thẻ của nạn nhân sang tài khoản ví điện tử của các đối tượng, để chiếm đoạt.

Lừa đảo công nghệ cao là thủ đoạn lợi dụng công nghệ kỹ thuật cao để thực hiện hành vi lừa đảo. Tội phạm sử dụng công nghệ cao thực hiện bằng hình thức cố ý sử dụng tri thức, kỹ năng, công cụ, phương tiện công nghệ thông tin ở trình độ cao tác động trái pháp luật đến thông tin số được lưu trữ, xử lý, truyền tải trong hệ thống máy tính, xâm phạm đến trật tự an toàn thông tin, gây tổn hại lợi ích của Nhà nước, quyền và các lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

Với phương thức lừa đảo trên, bọn tội phạm thực hiện hành vi lừa đảo nhanh chóng và khi bị phát hiện thì ít để lại dấu vết. Điểm chung của hầu hết các vụ việc lừa đảo bằng công nghệ cao là các đối tượng thu thập được thông tin cá nhân của nạn nhân như tên tuổi, ngày sinh, số căn cước, thông tin tài khoản ngân hàng...

Các thông tin này do nạn nhân sơ ý để lộ hoặc các đối tượng tự thu thập được. Sau khi lấy được thông tin cá nhân, các đối tượng lừa đảo sẽ mạo danh cơ quan, tổ chức liên hệ với chủ thể của thông tin đó đề nghị chuyển tiền. Mặt khác, các đối tượng có thể sử dụng thông tin cá nhân của người khác để thực hiện các khoản vay với số tiền lớn và người phải trả là người đã bị lộ thông tin cá nhân đó.

Một thủ đoạn nữa là tạo ra các đường link có chứa mã độc và gửi nó cho người khác. Khi người nhận được đường link này ấn truy cập thì sẽ bị các đối tượng đọc được mã OTP trong giao dịch qua tài khoản ngân hàng và qua đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Ngoài ra, các đối tượng còn làm giả trang web của cơ quan, tổ chức, làm giả các sàn giao dịch điện tử cũng với mục đích chiếm đoạt tài sản.

Công an TP Hồ Chí Minh đánh sập mạng lưới lừa đảo rút tiền từ thẻ tín dụng 

Để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm sử dụng công nghệ cao, trước hết, chúng ta phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao; trong đó tăng cường đối với các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng và dịch vụ Internet, viễn thông, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thanh toán điện tử và thương mại điện tử; làm tốt công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động tội phạm để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, tránh bẫy lừa đảo của các đối tượng. Mỗi người cần tự bảo vệ mật khẩu, khóa mật khẩu, cơ sở dữ liệu, thông tin cá nhân, thông tin tài khoản và hệ thống thiết bị công nghệ cao của mình. Đồng thời, hãy trình báo cơ quan công an ngay khi có dấu hiệu bị lừa đảo ...Trên thực tế, cơ quan Công an, cơ quan Nhà nước không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản để bảo lãnh, để xác minh hay gửi các lệnh, quyết định, giấy mời, giấy triệu tập qua mạng xã hội. Tuyệt đối không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP… cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng, cơ quan chức năng qua điện thoại và mạng Internet. Không truy cập, đăng nhập, tải các web, đường link được gửi từ người lạ, không rõ nguồn gốc.

Các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân cần cảnh giác đối với những lời mời đầu tư, cơ hội việc làm với lợi nhuận cao bất thường; trong mọi trường hợp, không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân và không bán, cho mượn, cho thuê tài khoản ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết.  

Thứ hai, các cơ quan thực hiện chức năng quản lý hành chính về an ninh, trật tự thông qua hoạt động của mình có trách nhiệm nắm tình hình, chủ động phát hiện kịp thời nguyên nhân, điều kiện, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao và có biện pháp xử lý phù hợp, hiệu quả.

Thứ ba, tăng cường các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao thông qua quản lý hành chính về an ninh, trật tự, bao gồm: Theo dõi nhân khẩu, hộ khẩu thông qua công tác quản lý cư trú, kiểm tra nhân khẩu thường trú, tạm trú, lưu trú, tạm vắng trên địa bàn; quản lý hồ sơ, tàng thư, căn cước phục vụ công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao; quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh; các biện pháp quản lý hành chính về an ninh, trật tự khác theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, cần tăng cường trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật chuyên dụng phục vụ công tác thu thập, ghi nhận, lưu trữ dữ liệu; bồi dưỡng đội ngũ cán bộ phục vụ yêu cầu đấu tranh với tội phạm liên quan mạng internet, mạng viễn thông.

Trên thực tế hiện nay, việc điều tra, xử lý các vụ lừa đảo qua mạng hiện gặp rất nhiều khó khăn do đối tượng hoạt động tinh vi, lợi dụng khoa học kỹ thuật để thực hiện hành vi phạm tội, phần lớn máy chủ thực hiện lừa đảo đều đặt ở nước ngoài. Trong khi đó, bị hại thường trình báo công an rất trễ. Ngoài ra, ở nhiều địa phương, trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật của cán bộ, chiến sĩ còn hạn chế, chưa được đào tạo chuyên sâu về chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ. Do đó, chúng ta cũng cần có sự đầu tư về nhân lực cũng như trang thiết bị hiện đại để chủ động triệt phá những vụ vi phạm ngay từ khi chúng mới manh nha.

Đối với hành vi lợi dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức hình phạt lên đến 20 năm tù. Thiết nghĩ, với công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, ý thức cảnh giác của người dân ngày càng được nâng cao và với hệ thống pháp luật đủ sức răn đe, chúng ta sẽ đấu tranh có hiệu quả với tội phạm sử dụng công nghệ cao trong thời gian tới./.

Theo Báo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới