Cảnh báo lũ, sạt lở đất ở các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ

Theo báo cáo nhanh ngày 29/7 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới, ngày và đêm 29/7, ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn: cấp 1.

Ảnh minh họa.

Cảnh báo lũ: Từ ngày 29-31/7, trên thượng lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên trên các sông như sau: trên thượng lưu sông Đà, sông Thao từ 2-3m, thượng lưu sông Thái Bình từ 3-4m, hạ lưu sông Thái Bình từ 1-2m, thượng lưu sông Lô từ 3-4m, sông Hoàng Long từ 1-2m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên thượng lưu sông Thao ở mức báo động 1-báo động 2, thượng lưu sông Lô ở mức báo động 1, sông Hoàng Long ở mức báo động 1-báo động 2, thượng lưu các sông ở Thanh Hóa lên mức báo động 1-báo động 2, có nơi trên báo động 2.

Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất: Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh như: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Thanh Hóa.

Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1-2.    

Về tình hình thuỷ văn, mực nước sông Thao đang biến đổi chậm, mực nước sông Hoàng Long và sông Hồng đang lên. Mực nước hạ lưu các sông trên hệ thống sông Thái Bình đang biến đổi, lúc 7h00 ngày 28/7 mực nước tại Hà Nội là 5,52m, mực nước tại Phả Lại là 2,43m. Dự báo: Đến ngày 7h00 ngày 30/7, mực nước tại Hà Nội có khả năng lên mức 5,80m. Trong 24 giờ qua, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang lên nhanh. Mực nước cao nhất ngày 27/7, trên sông Tiền tại Tân Châu 2,71m; trên sông Hậu tại Châu Đốc 2,27m. Dự báo: Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh. Đến ngày 31/7, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu lên mức 3,1m; tại Châu Đốc lên mức 2,55m.

Về tình hình đê điều, tổng hợp từ các địa phương, tính đến 18h ngày 28/7/2018, hệ thống đê điều các tỉnh Phú Thọ, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nội, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An đã xảy ra 98 sự cố, tăng 14 sự cố (tại thành phố Hà Nội) so với báo cáo ngày 27/7/2018 gồm: Ngày 21/7/2018: 01 sự cố sạt lở chân đê bối hữu Bùi; ngày 22/7/2018: 03 sự cố rò rỉ qua mang cống đê hữu Bùi; 01 sự cố sụt mang cống thuộc trạm bơm Trại Nứa, đê bao hữu sông Tích; tràn 03 đoạn đê bối hữu sông Tích và 01 đoạn đê bao tả Tích; 02 sự cố rò rỉ mang cống thuộc trạm bơm Đốc Tín, đê hữu Đáy và trạm bơm Đức Môn; ngày 23/7/2018: 02 sự cố rò rỉ qua mang cống đê bối xã Đồng Tiến; ngày 26/7/2018: 01 sự cố bục thân cống đê bao hữu sông Tích.

Về tình hình ngập úng hoa màu, theo thông tin từ cục Trồng trọt, hiện nước đang rút dần, các địa phương đang tiếp tục thống kê số liệu cụ thể về diện tích ngập úng. Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, tính đến 17h ngày 28/7, các địa phương đang vận hành tổng cộng 1.919 máy bơm và 37 cống, so với ngày 27/7 tăng 689 máy bơm và giảm 12 cống tiêu.

Để ứng phó với thiên tai, Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia thường xuyên cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo mưa lũ và thời tiết nguy hiểm phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó. Trong ngày, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai nhận được 02 bản tin nhanh cảnh báo lũ quét, sạt lở đất ở Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Ngay sau khi nhận được thông tin, Văn phòng thường trực đã trực tiếp gọi điện đến địa phương để đôn đốc chủ động triển khai các biện pháp ứng phó; trực ban 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh tiếp tục triển khai công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, đảm bảo không để người dân bị đói, rét; xử lý vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh; đảm bảo thông tuyến giao thông; khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng thiết yếu, ổn định đời sống cho nhân dân. Tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn diện rộng và các hình thế thời tiết nguy hiểm để chủ động các biện pháp phòng tránh./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới