Với tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, 5 năm qua, 10 đội viên của Đề án “Thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi” (gọi tắt là Đề án 500 trí thức trẻ) ở tỉnh Sơn La đã cùng chính quyền địa phương, giúp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Cống hiến sức trẻ
5 năm qua, người dân xã Gia Phù (Phù Yên) đã quen với hình ảnh đội viên Lò Văn Bạch, công chức hợp đồng địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường luôn tất bật với công việc tiếp dân, giải quyết hồ sơ tại Bộ phận một cửa của xã và tranh thủ xuống cơ sở vận động nhân dân bảo vệ môi trường. Lò Văn Bạch, sinh năm 1990 tại xã Sập Xa (Phù Yên), sau khi tốt nghiệp Ðại học Lâm nghiệp với tấm bằng loại khá, năm 2015, chàng trai trẻ tình nguyện đăng ký và trúng tuyển Đề án 500 trí thức trẻ. Những ngày đầu đảm nhận chức danh công chức tại xã Gia Phù, do chưa có kinh nghiệm nên gặp nhiều khó khăn. Song, chỉ một thời gian ngắn Bạch đã bắt nhịp được với công việc, thường xuyên bám sát cơ sở, xuống từng bản vận động, tuyên truyền, hướng dẫn bà con mở rộng diện tích cây trồng chủ lực của địa phương như tỏi tía, lúa nước; anh tích cực tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền xã tổ chức nhiều phong trào, như: “Điện thắp sáng nông thôn”, “Ngày thứ 7 tình nguyện về cơ sở xây dựng nông thôn mới”; “Tuyến đường hoa nông thôn”; “Khu dân cư tự quản về môi trường”... được chính quyền và người dân yêu mến, ủng hộ.
Bà Hoàng Thị Hà, Chủ tịch UBND xã Gia Phù (Phù Yên), nhận xét: Đội viên Bạch không chỉ làm tốt lĩnh vực được phân công phụ trách mà còn tích cực tham mưu, đề xuất nhiều giải pháp cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết các thủ tục liên quan đến địa chính, xây dựng, giảm thời gian chờ đợi và đi lại cho các tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, đồng chí Bạch còn góp phần làm thay đổi nhận thức của bà con trong việc đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp; giám sát việc xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, bảo vệ môi trường... góp phần làm cho kinh tế - xã hội tại địa phương khởi sắc.
Còn đội viên Lò Văn Ngọc, sinh ra và lớn lên tại xã Phiêng Ban (Bắc Yên), sau khi tốt nghiệp Khoa Kinh tế, Trường Ðại học Tây Bắc, được hợp đồng làm công chức tài chính - kế toán xã Háng Đồng. Nhận công tác tại xã, anh đã tham mưu giúp UBND xã thực hiện thu, chi ngân sách khai thác nguồn thu trên địa bàn; quản lý tài sản công, kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng theo thẩm quyền. Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, anh còn được tín nhiệm phụ trách lĩnh vực NTM của xã. Sau nhiều năm cùng với cán bộ, công chức xã tích cực tuyên truyền, vận động về chủ trương xây dựng nông thôn mới, người dân các bản đã tự nguyện hiến đất, góp công làm 12,3 km đường liên bản, 100% các tuyến đường từ trung tâm xã đến các bản đều được cứng hóa; từ 1 tiêu chí (quy hoạch) năm 2015 đến nay xã đã đạt được 9 tiêu chí. Trong 5 năm công tác, anh Ngọc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được kết nạp vào Đảng; năm 2018 anh còn vinh dự được đi học tập, trao đổi kinh nghiệm phát triển NTM tại Hàn Quốc do Bộ Nội vụ tổ chức.
Có trình độ chuyên môn và tinh thần trách nhiệm, tận tụy trong công việc, các đội viên Đề án đã nhanh chóng tiếp cận công việc theo chức danh chuyên môn, nhận được sự tin tưởng, quý mến của cấp ủy, chính quyền và người dân, trưởng thành và có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng
Đề án “Thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2013, nhằm bổ sung nguồn nhân lực có trình độ về 500 xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc và miền núi. Triển khai thực hiện Đề án, năm 2015, UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ tuyển chọn được 10 đội viên tham gia Đề án tại 10 xã của 5 huyện: Bắc Yên (2 đội viên), Phù Yên (3 đội viên), Mường La (1 đội viên), Quỳnh Nhai (1 đội viên), Sốp Cộp (3 đội viên); bố trí theo 5 chức danh công chức, gồm: Văn phòng - thống kê, địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường, văn hóa - xã hội, tư pháp - hộ tịch và tài chính - kế toán. Các đội viên được phân công nhiệm vụ phù hợp với trình độ đào tạo đã phát huy năng lực, sở trường. Hằng năm, 100% đội viên được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Đến nay, có 9/10 đội viên được kết nạp vào Đảng; 1 đội viên đã hoàn thành lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng; 3/10 đội viên được quy hoạch vào Đảng ủy xã. Cấp ủy, chính quyền đánh giá đây là nguồn nhân lực có chất lượng so với mặt bằng chung của xã.
Đội viên tham gia Đề án 500 tri thức trẻ đã góp phần giúp các địa phương phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, được chính quyền địa phương và nhân dân ghi nhận. Song, vấn đề sắp xếp, bố trí việc làm sau khi kết thúc Đề án đang được các đội viên đặc biệt quan tâm. Đội viên Vì Văn Quốc, công chức tư pháp - hộ tịch xã Mường Và (Sốp Cộp) mong mỏi: Theo Đề án, đội viên sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ được cơ quan có thẩm quyền xét chuyển thành cán bộ, công chức dựa vào năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức và kết quả thực hiện nhiệm vụ. Rất mong muốn, các cấp có thẩm quyền sớm có chủ trương hướng dẫn, tạo điều kiện để đội viên được tuyển dụng thành công chức theo cơ chế đặc thù, ưu tiên sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại địa phương.
Cần giải pháp bố trí, sắp xếp trí thức trẻ
Ðược biết, để chuẩn bị cho tổng kết Ðề án, tỉnh đã tiến hành khảo sát nguyện vọng của các đội viên và nhu cầu sử dụng, phương án bố trí của các địa phương. Qua khảo sát, 100% đội viên có đủ năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức và có nguyện vọng được tuyển dụng; lãnh đạo các địa phương có đội viên tham gia Đề án có chung mong muốn giữ đội viên ở lại để tiếp tục công tác. Nhưng, trên thực tế, các huyện đều đang vướng mắc về chỉ tiêu biên chế, cơ chế tuyển dụng, bố trí đội viên khi kết thúc Đề án trong bối cảnh thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy hành chính và tinh giản biên chế theo Nghị quyết của Đảng. Bên cạnh đó, việc giảm số lượng cán bộ, công chức cấp xã theo Nghị định 34/2019/NÐ-CP của Chính phủ càng khó khăn trong việc sắp xếp công việc cho các đội viên. Qua rà soát, hiện nay tỉnh Sơn La đang dôi dư 137 cán bộ, công chức cấp xã so với định mức quy định. Trong khi đó, Bộ Nội vụ vẫn chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết việc thực hiện chế độ, chính sách đối với đội viên sau khi kết thúc Đề án cũng như các văn bản hướng dẫn quy trình, thủ tục, điều kiện, tiêu chuẩn, cơ chế đặc thù để tuyển dụng đội viên sau khi hoàn thành nhiệm vụ vào cán bộ, công chức thì địa phương không chủ động được trong việc thực hiện công tác quy hoạch, bố trí, sắp xếp đội viên; điều này gây xáo trộn tâm lý cho đội viên và phần nào ảnh hưởng đến chất lượng công việc.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Bình Minh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Để đảm bảo quyền lợi, chế độ, chính sách đối với các đội viên, Sở Nội vụ đã tham mưu với UBND tỉnh đề nghị Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng Chính phủ và được đồng ý cho phép tỉnh tiếp tục thực hiện Đề án đến hết năm 2020. Đồng thời, tỉnh cũng đã kiến nghị với Bộ Nội vụ sớm ban hành văn bản hướng dẫn cơ chế đặc thù tuyển dụng các đội viên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đề án; bổ sung chỉ tiêu biên chế cho các tỉnh thuộc phạm vi của Đề án để xét chuyển đội viên thành công chức cấp xã hoặc xem xét bố trí vào làm việc tại các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập còn chỉ tiêu trên địa bàn. Trong thời gian chờ sắp xếp, các huyện tiếp tục bố trí kinh phí để chi trả hợp đồng cho các đội viên.
Trong thời gian chờ văn bản hướng dẫn cụ thể của Bộ Nội vụ, tỉnh và các địa phương thuộc phạm vi Đề án cần sớm xây dựng phương án bố trí, sắp xếp hợp lý để các trí thức trẻ tiếp tục cống hiến, tránh lãng phí nguồn nhân lực có chất lượng cũng như ngân sách của Nhà nước đã đầu tư cho việc triển khai thực hiện Đề án.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!