Chiều ngày 24/6/2019, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Uỷ ban Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã ban hành Công điện số 04/CĐ-TW về việc ứng phó với mưa lũ bất thường tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
Theo Công điện, trong đêm ngày 23, rạng sáng ngày 24/6, khu vực miền núi phía Bắc đã có mưa to, cá biệt một số trạm có mưa rất to như: Hạ Hoà (Phú Thọ) mưa 219mm, Bắc Hà (Lào Cai) 133mm đã gây lũ quét trên địa bàn huyện Mường Tè - Lai Châu, Sa Pa - Lào Cai,… làm 3 người mất tích (Mường Tè, Lai Châu); đứt cáp cầu treo, nhiều tuyến đường giao thông và công trình thuỷ lợi bị hư hại và ảnh hưởng đến 116 hộ dân (Sa Pa - Lào Cai). Dự báo đợt mưa này ở Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến ngày 25/6, thời gian mưa tập trung vào sáng và đêm; riêng các tỉnh vùng núi và trung du có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to (lượng mưa phổ biến từ 50-100mm/24 giờ, có nơi trên 150mm/24 giờ). Trọng điểm của đợt mưa này có khả năng xảy ra ở các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái; nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp.
Để chủ động ứng phó với diễn biến mưa, lũ bất thường, cực đoan có thể xảy ra trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các bộ, địa phương triển khai một số nội dung sau:
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Lai Châu, Lào Cai khẩn trương khắc phục hậu quả xảy ra trên địa bàn, nhất là huy động các lực lượng tìm kiếm người bị mất tích tại huyện Mường Tè tỉnh Lai Châu.
Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất để thông tin kịp thời đến chính quyền, người dân chủ động ứng phó.
Kiểm tra, rà soát nơi ở không an toàn, các khu dân cư ở ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn.
Chỉ đạo các Hội đồng thi lựa chọn các địa điểm đảm bảo an toàn, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, bố trí các điểm sơ tán an toàn gần khu vực tổ chức thi, đồng thời có phương án đảm bảo hậu cần và các nhu yếu phẩm thiết yếu tại các điểm sơ tán; xây dựng các phương án đảm bảo an toàn giao thông quanh khu vực thi trường hợp xảy ra thiên tai.
Tổ chức tuần tra, kiểm tra, canh gác tại các hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn, hướng dẫn người dân và phương tiện qua lại các ngầm tràn, các đoạn đường giao thông thường xuyên bị ngập sâu, sạt lở, có nguy cơ xảy ra đá lăn, bến đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn.
Chỉ đạo đài truyền hình, hệ thống đài truyền thanh và các cơ quan thông tấn, báo chí địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng ứng phó tới chính quyền cấp cơ sở, cộng đồng, người dân, đặc biệt là người dân đi làm rừng dài ngày về diễn biến mưa, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để người dân biết, chủ động phòng tránh.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin về bản tin cảnh báo và tình hình mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt để các cấp chính quyền địa phương và người dân chủ động phòng tránh.
Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia tăng cường bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét.
Sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng cứu khi có yêu cầu.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, trong đó báo cáo cụ thể về công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin cảnh báo về thiên tai đến chính quyền cơ sở và cộng đồng dân cư.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!