Đến 0 giờ ngày 28-7, bão số 1 đã áp sát bờ biển các tỉnh Nam Định, Ninh Bình. Sức gió mạnh nhất gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 10, cấp 12. Tại huyện ven biển Giao Thủy (Nam Định), mưa rất to kèm theo sấm chớp. Gió lớn quật đổ nhiều cây xanh và giật tung nhiều biển quảng cáo trên đường.
Nhiều cây xanh bị đổ do ảnh hưởng của bão trên đường Hoàng Công Chất (TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình).
Trong khi đó, tại huyện Hải Hậu cũng có mưa rất to, tuy nhiên trời lặng gió trước khi bão vào. Huyện Hải Hậu đã sơ tán 47 hộ dân với 100 nhân khẩu ở vùng có khả năng ngập lụt và 1.000 nhân viên phục vụ tại hơn 200 nhà hàng ở Khu du lịch Thịnh Long đến nơi an toàn.
Các trạm bơm trong tỉnh này đang hoạt động hết công suất để chống ngập úng. Tỉnh Thái Bình, bắt đầu từ 23 giờ ngày 27-7 xuất hiện có gió rít mạnh, kèm theo mưa to theo từng đợt. Nhiều cây xanh ở thành phố Thái Bình bị gió quật gãy, đổ. Một số khu vực ở thành phố đã bị cắt điện lưới. Tại Đồ Sơn (Hải Phòng) cũng liên tục có mưa, sóng biển cao từ 3 đến 5 m xô mạnh vào bờ làm nước tràn lên một số tuyến đường ven biển. Theo ghi nhận của phóng viên thường trú Báo Nhân Dân tại các tỉnh, đến thời điểm này, bão số 1 chưa gây thiệt hại đáng kể.
Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 1, tối 27-7, hầu hết các tỉnh phía bắc đều có mưa. Mưa to đã xuất hiện ở nhiều nơi như Lạc Sơn (Hòa Bình), Mường Khương (Lào Cai), Văn Lý (Nam Định), Nho Quan (Ninh Bình), Định Hóa (Thái Nguyên), Đào Viên (Tuyên Quang).
* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, đêm 27-7, bão số 1 đi vào khu vực các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình. Do ảnh hưởng của bão số 1, ở đảo Bạch Long Vĩ tiếp tục có gió mạnh cấp 9, giật cấp 13, ở Văn Lý (Nam Định) có gió mạnh cấp 9, giật cấp 12; Thái Bình có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11.
Hồi 23 giờ ngày 27-7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,0 độ vĩ bắc; 106,2 độ kinh đông, trên bờ biển các tỉnh Thái Bình - Ninh Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 đến 90 km/giờ), giật cấp 11-13.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 10 km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 10 giờ ngày 28-7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,7 độ vĩ bắc; 105,1 độ kinh đông, trên khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40 đến 50 km/giờ), giật cấp 7, cấp 8.
Do ảnh hưởng của bão sau suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Cô Tô, Vân Đồn) có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 12. Biển động rất mạnh. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9, giật cấp 11, cấp 13. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được 15 đến 20 km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực phía Tây Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ).
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1, các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa cả đợt do bão số 1 gây ra phổ biến 100 đến 200 mm, có nơi hơn 300 mm. Cảnh báo nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng thuộc Đông Bắc, Việt Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
* Tại TP Hải Phòng, đến 17 giờ chiều 27-7, đã sơ tán 10.356 người về các điểm an toàn. Trước đó, từ 15 giờ 30 phút cùng ngày, toàn bộ 3.907 phương tiện tàu thuyền với gần 15 nghìn lao động đã về neo đậu tại các bến để tránh, trú bão số 1. Đình chỉ các cuộc họp không cần thiết, hoạt động giao thông vận tải đường thủy, vui chơi giải trí khu vực biển, đảo và ven sông.
* Bộ Y tế có hai công điện đề nghị các sở y tế các tỉnh, thành phố triển khai các phương án bốn tại chỗ, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do mưa bão; sẵn sàng nhân lực, vật tư, cơ số thuốc, hóa chất PCLB, nhu yếu phẩm thiết yếu tại những khu có khả năng chia cắt. Các đội cấp cứu cơ động trực 24/24 giờ sẵn sàng ứng cứu khi có lệnh.
* Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa chỉ đạo các đơn vị quản lý lưới điện tăng cường kiểm tra, sớm phát hiện khu vực có khả năng sạt lở đất, có phương án xử lý sự cố kịp thời. Bảo đảm cấp điện an toàn cho các trạm bơm tiêu úng; phối hợp các tỉnh, thành phố cung cấp điện dự phòng cho các phụ tải quan trọng; kiểm tra hồ, đập, theo dõi sát mưa lũ và vận hành hồ chứa…
* Theo Bộ đội Biên phòng các tỉnh từ Quảng Ninh đến Phú Yên, tính đến tối 27-7 đã hướng dẫn 61.937 tàu, lồng bè/270.627 người biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 1 để chủ động trú, tránh và di chuyển vào bờ. Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình kêu gọi 1.293 tàu, thuyền với 3.523 lao động (đạt 100%) vào bờ tránh trú bão tại những khu vực an toàn. Tỉnh Lạng Sơn có công điện khẩn yêu cầu các huyện cảnh báo dân cư sống ở ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng… chủ động phòng ngừa lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Đến chiều 27-7 đã có 495 tàu du lịch của tỉnh Quảng Ninh về các điểm tránh, trú bão an toàn. Gần 2.000 khách du lịch trên đảo Cô Tô đã được đưa vào bờ an toàn; 100% số tàu, thuyền nhận được thông tin vào nơi tránh trú. Tại huyện Vân Đồn, có 1.506 phương tiện tàu cá đã về bến neo đậu. TP Móng Cái có phương án di dời 616 nhà xung yếu trên địa bàn.... Tỉnh Nam Định yêu cầu các huyện cấm biển, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 11 giờ ngày 27-7 cho đến khi bão số 1 tan. Các địa phương cần rút nước đệm chống úng để bảo vệ hơn 76.700 ha lúa mùa mới cấy.
* Tại Hà Nội, theo dự báo bão số 1 sẽ quét qua Hà Nội với sức gió mạnh cấp 6, giật cấp 7 đến cấp 8 và gây mưa rất to, có khả năng gây ngập úng cao. Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị thực hiện ứng trực 24/24h, bố trí 100% lực lượng công nhân thực hiện ứng trực tại các vị trí có nguy cơ ngập cao.
Theo Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh Hà Nam, bão số 1 có khả năng gây mưa 150 đến 250 mm. Tỉnh đã sẵn sàng phương án bơm tưới tiêu úng cụ thể.
Chủ động đối phó mưa, lũ lớn trên diện rộng do hoàn lưu bão Để chủ động đối phó diễn biến của bão số 1 và mưa, lũ lớn trên diện rộng do hoàn lưu bão, Thủ tướng Chính phủ có công điện số 1314/CĐ-TTg yêu cầu UBND các tỉnh Bắc Bộ khẩn trương kêu gọi tàu, thuyền vào nơi trú tránh; hướng dẫn, sắp xếp việc neo đậu; tổ chức sơ tán dân trên lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản, vùng thấp trũng có nguy cơ ngập lụt và sạt lở đất đến nơi an toàn; chỉ đạo chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây và bảo đảm an toàn hầm lò, bến cảng, khu du lịch. Các tỉnh miền núi phía bắc chủ động sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, các khu vực trũng thấp, bảo đảm an toàn hầm lò khai thác khoáng sản, kiểm tra an toàn đập, vận hành cửa van; xả lũ tại các hồ chứa; chủ động tiêu thoát nước, bảo đảm an toàn cho lúa và hoa màu, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (TKCN), Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng phối hợp chính quyền địa phương sẵn sàng sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an ninh, trật tự. Các bộ, ngành tùy theo chức năng, nhiệm vụ, có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn các địa phương ứng phó bão, mưa lũ; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết ứng phó và khắc phục hậu quả bão, mưa lũ…. |
Sáng 27-7, đoàn công tác do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão (PCLB) tại tỉnh Thái Bình. Phó Thủ tướng yêu cầu địa phương bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân... Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra việc phòng, chống bão trên tuyến đê biển 1 Đồ Sơn, cảng cá Ngọc Hải, Khu du lịch Đồ Sơn (Hải Phòng). Phó Thủ tướng yêu cầu địa phương khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào khu vực tránh, trú bão an toàn; bảo đảm di dời người dân khỏi các lồng, bè... giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản nhân dân. |
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!