"Thông quan" cho đào trồng

Được mệnh danh là “vựa đào” của Tây Bắc, tỉnh Sơn La hiện có 5.000 ha đào, chủ yếu ở vùng cao và được trồng trên đất nông nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua, việc khai thác đào bản địa không có kế hoạch, dẫn đến lượng đào cổ thụ bị suy giảm, khan hiếm. Để bảo tồn các loại thực vật rừng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cấm chặt phá cây rừng, đào rừng phục vụ thú chơi vào dịp Tết. Song, do hiểu chưa đúng sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nên nhiều người dân lo ngại về việc không bán được đào trồng trong dịp Tết Nguyên đán.

 

Nỗi lo của người trồng đào

 

Từ lâu, chơi đào ngày Tết đã trở thành một nét văn hóa truyền thống gắn liền với đời sống tinh thần của người dân miền Bắc. Tết đến trong mỗi gia đình thường có cành đào. Các loại đào thóc, đào đá... của huyện Mộc Châu, Vân Hồ có tiếng là đẹp, được khách hàng ưa chuộng. Đặc biệt, những cây đào cổ thụ, nhiều năm tuổi thân mốc, rêu phong bám cành, dày nụ, thế đẹp, được các tiểu thương “săn lùng” mua. Giá những cây này có khi cả vài chục triệu đồng. Nhiều người buôn đào còn sang các xã vùng cao của huyện Bắc Yên, Yên Châu; xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu (Hòa Bình) để tìm mua những cây đào cổ thụ về bán tại khu vực huyện Mộc Châu, Vân Hồ... 

 

 

Cây đào được trồng trên đất nông nghiệp tại khu vực bản Co Lóng, xã Lóng Luông (Vân Hồ)

 

Cùng với bán buôn cho các thương lái, người dân còn bán lẻ cành đào cho khách. Theo đó, các cành đào được bày bán cả ngày và đêm tại nhiều điểm dọc quốc lộ 6, đoạn đường qua xã Lóng Luông, ngã ba Vân Hồ (huyện Vân Hồ); tiểu khu cấp 3, 70 (thị trấn Nông trường Mộc Châu); ngã ba Tà Làng, xã Tú Nang (Yên Châu), ngã ba Cò Nòi (Mai Sơn)... Theo những người trồng đào, sau khi đốn cành, cây đào lại hồi phục nhanh, năm sau có thể khai thác tiếp. Tuy nhiên, việc đánh cả cây đã làm suy giảm số lượng cây đào cổ thụ, ảnh hưởng đến cảnh quan đặc trưng của bản làng vùng cao, nhất là những khu du lịch cộng đồng. Hơn nữa, một số người dân khai thác những cành đào không nụ, không hoa, chặt non, rồi không bán được vứt chỏng chơ bên đường, gây lãng phí.

Thời điểm này của các năm trước, từ thị trấn Nông trường vào xã Tân Lập (Mộc Châu) có nhiều thương lái về các bản đặt mua cành đào. Nhưng năm nay, lượng người đặt mua không nhiều, khiến nông dân lo lắng. Ông Triệu Văn Tâm, Tiểu khu Tà Lọng (thị trấn Nông trường) nói: Gia đình tôi hiện có 400 cây đào trồng trên đất nông nghiệp từ năm 2016, dự tính năm nay sẽ cho thu cành. Tuy nhiên, việc bán cành đào khá khó khăn. Chúng tôi rất mong các cấp, các ngành sớm có giải pháp để việc bán đào trồng thời điểm trước Tết Nguyên đán được thuận lợi.

 

 

Mẫu Tem dán xác định nguồn gốc đào trồng của huyện Vân Hồ

 

Tại Tiểu khu Cờ Đỏ (thị trấn Nông trường), chúng tôi gặp gia đình chị Nguyễn Thị Oanh đang chuyển những gốc đào lên chiếc xe ô tô tải. Được biết, từ đầu tháng 12 đến nay, gia đình chị Oanh đã bán 500 gốc đào và thu mua thêm 300 gốc đào của bà con. Chung tâm lý với các hộ dân khác, người buôn đào như chị Oanh lo lắng: Cũng như mọi năm, tôi mua đào của bà con trồng để bán, nhưng năm nay, để vận chuyển, phải làm thêm một bước nữa, đó là, làm giấy tờ mua bán, có xác nhận của hộ dân và chính quyền địa phương về xuất xứ cây đào. Mất thêm thời gian làm thủ tục, việc vận chuyển khó khăn, nên hiện tại chúng tôi chưa đặt mua thêm cành đào, dù chỉ còn gần 1 tháng nữa là Tết.

 

Tiếp tục đến “thủ phủ” đào trồng ở xã Lóng Luông (Vân Hồ), chúng tôi nhận thấy, hầu hết người dân trồng đào trong vườn, trên đất sản xuất bạc màu, nhiều cây đào mơ hoa đã nở rộ và có cả những cây đào thóc cổ thụ. Lóng Luông hiện có 300 ha đào, được khai thác theo 3 hướng: Thu hoạch quả, bán gốc và bán cành đào ngày Tết. Nhờ vậy, nhiều hộ dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ngoài ra, còn tạo thêm việc làm thời vụ cho lao động địa phương, như: Bó đào cho thương lái thu nhập từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng/ngày; thu từ 200.000-500.000 đồng khi kết nối với các hộ gia đình có nhu cầu bán đào cho các tiểu thương... Việc mua, bán đào tết đã trở thành một nghề giúp bà con có thêm thu nhập. Vì vậy, do chưa hiểu đúng về nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nên bà con lo lắng mất đi nguồn thu nhập

 

Gỡ khó cho người trồng đào

 

Để tháo gỡ khó khăn cho những hộ dân trồng đào tại các địa phương trong tỉnh, UBND tỉnh đã có văn bản số 72/UBND-KT ngày 8/1/2021 và văn bản số 14/BC-UBND ngày 13/1/2021 đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép thực hiện truy xuất nguồn gốc cây đào để xác định nguồn gốc, xuất xứ, vùng trồng, cây đào được trồng trên đất nông nghiệp, không phải đào rừng tự nhiên; hướng dẫn cụ thể việc thực hiện khai thác và xác nhận cây đào trên diện tích đất vườn nhà, trên đất nương rẫy thuộc đất nông nghiệp trồng cây ăn quả hằng năm; cây đào trồng phân tán không thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp, thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân...

 

 

Người dân xã Lóng Luông (Vân Hồ) trao đổi mua bán cành đào với thương lái 

 

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công văn số 356/BNN-TCLN ngày 18/1/2021 về tăng cường công tác bảo vệ rừng và quản lý, truy xuất nguồn gốc cây đào do người dân trồng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Theo nội dung Công văn, người dân được khai thác diện tích đào trồng trên đất nông nghiệp; các địa phương có thể áp dụng biện pháp xác nhận nguồn gốc, xuất xứ phù hợp, nhưng không tạo thêm thủ tục hành chính gây ách tắc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hợp pháp.

 

Ông Trần Dũng Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang khẩn trương tham mưu việc quản lý, truy xuất nguồn gốc cây đào do nhân dân trồng để trình UBND tỉnh trước ngày 22/1/2021. Trong đó, tập trung vào công tác quản lý, bảo vệ rừng; kiên quyết xử lý các trường hợp khai thác, vận chuyển mua bán đào có nguồn gốc từ rừng tự nhiên. Đồng thời, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức dán tem thí điểm cho diện tích đào trồng tại huyện Vân Hồ, tạo thuận lợi để người dân được khai thác, mua bán, vận chuyển cây đào vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu. 

 

Vân Hồ là địa phương có thế mạnh về phát triển cây đào, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND huyện đã họp bàn tìm giải pháp để hỗ trợ người dân. Ông Vũ Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ, cho biết: Huyện đã có văn bản đề xuất, kiến nghị với UBND tỉnh về việc cho phép tổ chức Lễ hội Hoa đào năm 2021. Đồng thời, xây dựng 2 mẫu tem xác định nguồn gốc đào trồng, với số lượng 11.000 chiếc, trên nền in dòng chữ “Hoa đào Vân Hồ” và có chữ ký ẩn của Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện. Căn cứ nhu cầu của người trồng đào trên địa bàn, các xã đăng ký số lượng tem để cung cấp cho nhân dân (xã hội hóa nguồn kinh phí in). UBND các xã thành lập tổ cấp phát và kiểm soát chặt chẽ số lượng tem phát ra, đảm bảo cấp đúng cho các hộ trồng đào theo số lượng đào hiện có tại nương, vườn, tránh tình trạng tem bị cấp phát tràn lan, sai đối tượng.

 

Nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kịp thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ, tin rằng, không chỉ nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân vùng cao Sơn La trong việc bảo tồn các loại đào quý hiếm mà còn phát triển cây đào trở thành hàng hóa lưu thông trên thị trường, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Ngày 18.1, Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi các địa phương về việc tăng cường công tác bảo vệ rừng và quản lý, truy xuất nguồn gốc cây đào do người dân trồng dịp tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021. 
Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới