Tìm hướng phát triển sản xuất cho các xã dọc sông

Sau nhiều năm canh tác các loại cây lương thực, phần lớn diện tích đất sản xuất nông nghiệp của các xã dọc sông Đà thuộc huyện Bắc Yên đã bị xói mòn, bạc màu. Để giúp người dân sản xuất hiệu quả, bền vững và góp phần chống sạt lở, huyện Bắc Yên đã triển khai phương án trồng cây lấy gỗ trên diện tích đất nông nghiệp có độ dốc lớn thuộc địa phận các xã này.

Cán bộ xã Mường Khoa (Bắc Yên) hướng dẫn người dân trồng cây lâm nghiệp trên đất dốc.

 

Từ lâu, các xã dọc sông của huyện Bắc Yên, gồm: Mường Khoa, Tạ Khoa, Chiềng Sại, Song Pe, Chim Vàn và Pắc Ngà, chủ yếu trồng các loại cây lương thực ngắn ngày. Trong đó, hai xã Tạ Khoa và Mường Khoa đa phần trồng cây ngô, với diện tích khoảng 1.000 ha. Đất sản xuất hai bên bờ sông có độ dốc bình quân khoảng từ 50-60%, bị rửa trôi mạnh, dễ sạt lở. Trải qua nhiều năm canh tác, phần nhiều đất bị bạc màu, chỉ còn trơ lại lớp đất cứng và đá, trồng cây gì cũng khó đem lại hiệu quả.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với địa hình núi cao, khắc phục tình trạng sạt lở đất, tạo sinh kế lâu dài cho người dân là nỗi trăn trở lớn của lãnh đạo huyện Bắc Yên. Đầu năm 2020, UBND huyện quyết định triển khai kế hoạch trồng các loại cây lâm nghiệp trên diện tích đất sản xuất đã bạc màu của các xã dọc hai bên bờ sông Đà, xuất phát từ nhu cầu thị trường đối với gỗ rừng trồng ngày càng cao, việc chuyển hướng sang trồng cây lâm nghiệp là một hướng cho hiệu quả kinh tế lâu dài và bền vững.

Trao đổi về vấn đề này, bà Dương Thị Lan Hương, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Yên, cho biết: Qua nghiên cứu, khảo sát ý kiến của người dân, chúng tôi nhận thấy việc đưa cây lâm nghiệp vào trồng trên diện tích đất đồi ở hai bên bờ sông đáp ứng được 3 mục tiêu lớn, đó là: Chống sạt lở đất; tạo nguồn thu nhập bền vững cho người dân từ các loại cây lâm nghiệp; hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ nguồn nước và môi trường.

Qua tìm hiểu thực tế từ các xã, hiện nay nhiều người dân các xã vùng ven sông của huyện Bắc Yên đi làm thuê ở các tỉnh miền xuôi. Cùng với đó, việc trồng cây lương thực không mang lại hiệu quả nên nhiều diện tích đất sản xuất ở hai bên bờ sông bị bỏ hoang. Để triển khai có hiệu quả dự án trồng cây lâm nghiệp trên diện tích đất này, huyện đã chỉ đạo các xã, bản tổ chức họp toàn thể nhân dân, tuyên truyền để bà con hiểu được lợi ích đa mục tiêu của việc trồng cây lâm nghiệp trên diện tích đất hai bên bờ sông. Hiện, người dân đăng ký trồng trên 700 ha trong đợt 1, với các loại cây: Xoan, tếch và lát. Huyện đã phê duyệt nguồn vốn hỗ trợ trồng gần 300 ha, thời gian tới bố trí được nguồn vốn, sẽ tiếp tục phân bổ và triển khai với quy mô lớn hơn.

Tại xã Mường Khoa, người dân đã đăng ký trồng trên 30 ha, trong đợt 1, xã được cấp cây giống để trồng trên 10 ha. Theo ông Lừ Văn Chuyền, Chủ tịch UBND xã Mường Khoa: Sau khi được cấp cây giống đợt đầu vào giữa tháng 6, xã đã giao cây giống cho các hộ đăng ký. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn hướng dẫn cách trồng và chăm sóc cây cho bà con.

Mặc dù nhận được sự đồng thuận cao của người dân các xã, nhưng hiện nay, huyện đang gặp khó khăn về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Huyện Bắc Yên đang đề nghị các cấp, các ngành chuyên môn quan tâm tháo gỡ, tạo điều kiện để chủ trương trồng cây lâm nghiệp hai bên bờ sông của huyện đạt hiệu quả, tạo sinh kế bền vững cho người dân các xã ven sông của địa phương.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới