Xã Tà Xùa (Bắc Yên) hiện có khoảng 140 ha chè, trong đó trên 70 ha chè cổ thụ, tập trung chủ yếu ở bản Bẹ và bản Tà Xùa, sản lượng chè búp tươi hằng năm đạt gần 100 tấn. Từ nhiều năm nay, chè Tà Xùa đã trở thành đặc sản, góp phần nâng cao đời sống cho người dân nơi đây.
Người dân bản Tà Xùa, xã Tà Xùa (Bắc Yên) thu hoạch búp chè tươi.
Những người cao tuổi ở bản Bẹ kể lại, không ai biết rõ cây chè có từ bao giờ, chỉ biết cây ở đây có hương vị đặc trưng và tốt cho sức khỏe, nên người dân đã mang hạt giống của cây chè từ rừng về trồng gần nhà để thuận tiện cho việc thu hái. Cứ như vậy, cây chè gắn bó với đời sống sinh hoạt, văn hóa của đồng bào dân tộc Mông vùng cao Tà Xùa hàng trăm năm nay, nghề sao chè cũng ra đời từ đó.
Theo người dân Tà Xùa, để có sản phầm đặc sản chè Tà Xùa chính hiệu, thì búp chè phải được hái từ các cây chè cổ thụ vào tháng 3-4 và tháng 9-10. Thời gian nên hái chè búp tươi từ 5-9 giờ sáng hoặc sau 3 giờ chiều. Đặc biệt, hái chè vào những ngày trời mát, nhiều sương mù là tốt nhất; sau khi hái, đưa chè vào sao càng sớm càng tốt. Để sao được chè thành phẩm mang đậm hương vị đặc trưng thơm, ngon, chè búp tươi được hái theo nguyên tắc một tôm hai lá hoặc một tôm ba lá. Khi sao loại chè một tôm hai lá thì 12 kg chè tươi sẽ được 3-4 kg chè thành phẩm; còn chè một tôm ba lá thì 15 kg chè tươi được 5-7 kg chè khô. Loại thượng hạng là chè cổ thụ búp to 10 kg tươi thì được 2 kg khô. Sau khi thu hái, chè được sao trên một chiếc chảo gang lớn; người sao chè phải có kinh nghiệm, nhất là việc đánh giá được độ nóng của chảo và độ khô của chè để điều chỉnh mức nhiệt phù hợp, tránh việc chè bị cháy, sẽ có mùi khét, ảnh hưởng đến chất lượng chè thành phẩm.
Đến thăm gia đình anh Mùa A Canh, một trong những gia đình có truyền thống sao chè ở bản Tà Xùa. Anh Canh cho hay: Nghề sao chè đòi hỏi sự kiên nhẫn, bởi sao một mẻ chè theo phương pháp truyền thống phải mất 3-4 tiếng đồng hồ. Nếu làm không khéo, đảo chè không đều tay và sao không đủ thời gian, chè không khô và sẽ mốc cả mẻ chè. Sau khi lá chè được làm héo sẽ cho ra nia vò bằng tay để kiểm tra độ ẩm và lại cho vào chảo tiếp tục đảo đều tay cho đến khi độ ẩm của chè đã đạt yêu cầu. Anh Canh vui vẻ cho biết thêm: Gia đình tôi hiện có trên 10 ha chè, trong đó hơn 3 ha được trồng cách đây trên 50 năm, số còn lại đã trồng được hơn 30 năm. Đặc biệt là toàn bộ diện tích chè của xã đều không dùng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, nên sản phẩm rất an toàn, được nhiều người ưa chuộng và tin dùng. Mỗi năm gia đình tôi thu gần 5 tấn chè thành phẩm, bán được trên 100 triệu đồng.
Hiện nay, nhiều hộ dân ở xã Tà Xùa đã chuyển sang sao chè bằng ống gang; số hộ duy trì cách sao chè truyền thống không còn nhiều. Tuy nhiên, với những kinh nghiệm sao chè được truyền qua nhiều đời và chất lượng chè nguyên liệu luôn đạt ở mức cao, chè thành phẩm vẫn giữ được đặc trưng riêng là chè Tà Xùa có thể pha tới nước thứ 4-5 mà màu và hương vị vẫn đậm đà; chè Tà Xùa cũng không bao giờ két nhựa ố vàng ở ấm chén như các loại chè khác. Hương chè thơm ngát, thoang thoảng mùi khói củi rừng, lúc đầu uống vị chát khoang miệng sau đó vị ngọt lan tỏa, khó có thể lẫn với các loại chè khác.
Hiện nay, phần lớn sản phẩm chè búp tươi của xã Tà Xùa được Công ty TNHH trà và đặc sản Tây Bắc thu mua để sản xuất thành sản phẩm trà viên, trà trúc, trà mây và bộ sản phẩm trà túi lọc Shanam ướp nhài và ướp hồng trà... đáp ứng nhu cầu, sở thích của nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Hiện nay, xã đang vận động người dân trong 2 năm tới mở rộng diện tích vùng trồng chè thêm 50 ha, đặc biệt là quyết tâm duy trì nghề làm chè truyền thống hàng trăm năm. Bởi, chè Tà Xùa, theo cách nào đó đã trở thành hồn cốt của người Mông vùng cao nơi này.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!