Là xã vùng cao của huyện Bắc Yên, thu nhập bình quân mới đạt hơn 13 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 31%. Để giúp người dân phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững, những năm qua, xã Hang Chú đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế theo thế mạnh của vùng, đa canh, đa sản phẩm và phát triển các nghề truyền thống của địa phương.
Người dân xã Hang Chú (Bắc Yên) chăn nuôi gia súc nhốt chuồng.
Đồng chí Hờ A Dua, Chủ tịch UBND xã Hang Chú, cho biết: Với hơn 1.150 ha đất sản xuất nông nghiệp, bà con trong xã đã trồng gần 1000 ha cây lương thực có hạt, sản lượng trung bình đạt trên 2.300 tấn/năm; 3,2 ha lạc, trên 10 ha rau đỗ, gần 140 ha rau màu các loại, tổng sản lượng hơn 100 tấn/năm. Đặc biệt, có 2 loại cây trồng được xác định là cây đa mục tiêu và là cây xóa đói giảm nghèo của xã, đó là cây sơn tra và cây dược liệu. Trong đó, trên 1.163 ha cây sơn tra, sản lượng thu 200 tấn/năm; 154 ha cây dược liệu (thảo quả và sa nhân), sản lượng trung bình một năm đạt 100 tấn... Bên cạnh đó, xã còn khuyến khích người dân phát huy nghề nấu rượu thóc mầm truyền thống tại các bản: Pa Cư Sáng, Hang Chú, Phình Hồ, với sản lượng 10.000 lít rượu/năm. Đồng thời, tiếp tục duy trì các lò rèn truyền thống tại các bản Hang Chú, Suối Lềnh, sản xuất các sản phẩm cuốc, dao, xẻng... phục vụ bà con trong bản và xuất bán ra thị trường các xã trong huyện.
Được biết, để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, hằng năm xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho bà con trong xã. Nhận ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho trên 200 hộ dân vay vốn đầu tư sản xuất, với tổng số dư nợ hiện tại hơn16 tỷ đồng. Cùng với đó, khuyến khích các hộ dân đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng gia trại, trang trại tập trung, với hơn 1960 con trâu, bò; 918 con lợn; 480 con dê... Trong quá trình đó, cán bộ khuyến nông của xã hướng dẫn nhân dân xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh; trồng 15,5 ha cỏ làm nguồn thức ăn gia súc; hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Điều mừng là, sản phẩm chăn nuôi đang từng bước trở thành hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình. Kinh doanh dịch vụ cũng đang từng bước phát triển, hiện xã đã có 26 hộ tham gia kinh doanh, buôn bán các loại hàng tạp hóa, nông sản, vật tư nông nghiệp...
Gia đình ông Giàng A Chu, bản Pa Cư Sáng trồng 2,5 ha cây thảo quả, 2 ha cây sơn tra, 2000 m² cây sa nhân, nuôi 14 con trâu, bò. Năm 2019, gia đình thu hoạch 7,2 tấn thảo quả, hơn 1 tấn quả sơn tra, trừ chi phí, thu nhập trên 300 triệu đồng. Ông Chu cho biết: Nhờ cán bộ huyện, xã hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp và đưa kỹ thuật vào sản xuất nên thu nhập của gia đình ngày càng được nâng lên; 5 năm liền gia đình tôi được công nhận danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
Hang Chú quyết tâm đẩy lùi đói nghèo, mục tiêu của xã là tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân khai thác tiềm năng, lợi thế để xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả; đẩy mạnh phát triển nghề truyền thống, gắn với bảo vệ môi trường... Trong quá trình phát triển, Hang Chú rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành về kỹ thuật sản xuất, nguồn vốn vay ưu đãi, cũng như nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng... giúp người dân thoát nghèo bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!