Pắc Ngà thiếu nước sản xuất

Đầu tháng 3, khi mà nhiều địa phương đã sắp hoàn thành gieo cấy vụ lúa xuân, nhưng ở bản Ảng và bản Bước, xã Pắc Ngà, huyện Bắc Yên, thì những thửa ruộng vẫn cạn khô, nứt nẻ, những ao cá cạn đến tận đáy, người dân chia nhau từng thùng nước sạch để sinh hoạt. Đáng nói hơn, là tình trạng đó đã diễn ra mấy năm nay.

 

Những thửa ruộng ở bản Ảng, xã Pắc Ngà (Bắc Yên) thiếu nước sản xuất.

Từ cảng Tà Hộc, huyện Mai Sơn, chúng tôi mất hơn 40 phút đi thuyền ngược dòng sông Đà và mất thêm chừng ấy thời gian nữa để vượt hơn 7 km đường đất đá lởm chởm mới có mặt tại bản Ảng, xã Pắc Ngà. Con đường đất đá vốn khó đi, lại thêm hình ảnh những con suối cạn trơ đáy, những thửa ruộng hai bên đường khô nứt nẻ, khiến chúng tôi cảm nhận rõ hơn về sự khó khăn, vất vả của người dân. Đón chúng tôi, anh Hà Văn Khu, Trưởng bản Ảng, ngao ngán nói luôn: Ruộng của nông dân hầu như đã khô cạn. “Nhất nước, nhì phân…” mà bây giờ không có nước thì không thể sản xuất được.

Đứng trên cao, phóng tầm mắt nhìn xuống những cánh đồng khô nước, nứt nẻ, cảm giác không khỏi xót xa. Cùng đi với chúng tôi có ông Hoàng Hồng Son, Trưởng Ban công tác Mặt trận bản Ảng, buồn rầu nói: Giờ là vụ xuân, người dân các bản trong vùng đang tất bật cày bừa, làm đất, để gieo cấy khiến chúng tôi đứng ngồi không yên, lại một năm nữa người dân bản Ảng không có nước để canh tác.

Cách đó không xa, gia đình anh Hà Văn In đang rào lại mảnh ruộng hơn 200 m² để chuẩn bị làm đất, gieo mạ. Nét mặt buồn rầu, anh In nói: Gia đình tôi có hơn 3.000 m² ruộng, trước kia toàn bộ diện tích ruộng đều được cấy 2 vụ. Thế nhưng, 3 năm trở lại đây, nguồn nước cạn kiệt, vào vụ xuân chỉ 1/3 diện tích ruộng có đủ nước để cấy, đáng ra lương thực tự sản xuất được để phục vụ cuộc sống, thì giờ gia đình phải mua thêm thóc, gạo bên ngoài.

 

Cánh đồng của người dân bản Ảng, xã Pắc Ngà thiếu nước sản xuất.

Bản Ảng có trên 37 ha ruộng, trong đó, vụ xuân có 18 ha, vụ mùa hơn 19 ha, trước đây mỗi năm thu gần 190 tấn thóc, đủ ăn cả năm, nhiều hộ còn dư thóc để bán. Nhưng từ năm 2018 trở lại đây, khi công trình thủy lợi Hua Ngà ở bản Nậm Lộng, xã Hang Chú đưa vào vận hành, tình trạng thiếu nước sản xuất bắt đầu và mỗi năm lại nghiêm trọng hơn. Vụ xuân năm nay, dự tính chỉ 1/3 diện tích ruộng có nước để cấy.

Cũng trong tình trạng tương tự, những ngày này, người dân bản Bước đang trông chờ có nước để kịp gieo cấy gần 20 ha lúa vụ xuân. Ông Lò Như Thế, Bí thư chi bộ bản, nói: Cũng như bản Ảng, nguồn nước chính phục vụ sản xuất lúa ruộng của bà con lấy từ suối Ngà, từ năm 2018, công trình thủy lợi Hua Ngà xây dựng trên đầu nguồn chắn, từ đó đến nay người dân trong bản luôn thiếu nước sản xuất, nhất là vào vụ xuân, có hơn nửa diện tích ruộng trong bản thiếu nước trầm trọng.

Để có cái nhìn rõ hơn về tình trạng thiếu nước như phản ánh, chúng tôi lần theo những đường ống dẫn nước chằng chịt chạy dài từ bản Ảng lên phía đầu nguồn. Vừa đi, vừa thở gấp, sau 30 phút, chúng tôi có mặt tại khu vực đầu nguồn, tại đây lượng nước chảy rất ít, nhưng có đến vài chục ống nhựa được người dân dùng để dẫn nước về nhà, còn kênh dẫn nước về bản cũng trong tình trạng sắp cạn.

Anh Hà Văn Khu, Trưởng bản Ảng thông tin thêm: Trước đây, các mương ở đây nước rất dồi dào, thế nhưng, 3 năm trở lại đây, tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, không chỉ thiếu nước sản xuất, nguồn nước phục vụ sinh hoạt cũng dần bị cạn. Bây giờ, gia đình nào có điều kiện thì mua ống dẫn nước từ đầu nguồn về dùng, gần thì khoảng 1 km, xa nhất khoảng 3 km. Vất vả hơn là nguồn nước không đủ đáp ứng nhu cầu, nên các gia đình trong bản phải luân phiên nhau lấy nước tích trữ để dùng, có nhiều lần vì thiếu nước sinh hoạt mà một số người dân trong bản xích mích, mất đoàn kết.

Trở lại bản Ảng, ghé thăm gia đình anh Hà Văn Huấn khi trời đã nhá nhem tối, vừa rửa rau để chuẩn bị cho bữa cơm, anh Huấn chia sẻ: Nước sạch bây giờ quý lắm, nước rửa rau hay sinh hoạt hằng ngày được tận dụng để tưới cho cây trồng. Bản không có công trình nước sạch, nước dẫn từ đầu nguồn về ít, nên gia đình phải tích trữ nước mưa phục vụ sinh hoạt. Nhà tôi có 5.000 m² ruộng, nhưng mấy năm chỉ cấy được 1/3 diện tích, còn lại bỏ hoang. Mong muốn lớn nhất của bà con là xã, huyện xem xét, sớm có giải pháp cung cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân.

Sau khi tìm hiểu thực tế, chúng tôi hẹn làm việc với lãnh đạo UBND xã Pắc Ngà về tình trạng thiếu nước sản xuất và sinh hoạt của người dân, ông Lò Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã, nói: Xã đã nhiều lần kiến nghị về việc người dân bản Ảng và bản Bước thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt, nguyên nhân do Nhà máy thủy điện Suối Lừm 1 gây ra.

 

Người dân tận dụng nước từ khe nhỏ để tưới tiêu.

Nói rồi, Chủ tịch xã cung cấp cho chúng tôi Báo cáo số 241 ngày 17/4/2019 của Đảng ủy xã Pắc Ngà về tình hình thiếu nước sản xuất vụ lúa xuân tại bản Ảng và bản Bước. Theo đó, ngày 9/4/2019, từ kiến nghị, đề xuất của Bí thư chi bộ 2 bản, Đảng ủy xã đã phân công đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy xã và đồng chí Phó Chủ tịch HĐND xã phối hợp cùng với chi ủy 2 bản lên kiểm tra hiện trạng công trình thủy lợi Hua Ngà, nằm phía trên đầu nguồn nước của 2 dòng suối Lừm và suối Ngà. Qua kiểm tra, ở khu vực đập đầu mối, nước đầu nguồn suối Ngà đều chảy vào ống dẫn nước có đường kính 315 mm của công trình thủy lợi Hua Ngà, dẫn nước từ đập đầu mối về ruộng sản xuất của người dân khu Trại Bẹ và một số khu vực khác của bản Nậm Lộng, xã Hang Chú, điểm cuối của ống xả ra mương dẫn nước về hồ chứa của Nhà máy thủy điện Suối Lừm 1. Do vậy, lượng nước không đủ tràn qua mặt đập để cung cấp cho các bản xã Pắc Ngà.

Trước khi đăng bài báo này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lò Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Pắc Ngà, hiện nay bản Ảng và bản Bước vẫn chưa đủ nước để sản xuất.

Duy Tùng - Trung Hiếu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La thảo luận một số dự thảo luật

    Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La thảo luận một số dự thảo luật

    Thời sự - Chính trị -
    Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 30/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La tham gia thảo luận tại tổ đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
  • 'Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”

    Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”

    Quốc phòng -
    Triển khai thực hiện hiệu quả công tác xây dựng đơn vị chính quy, rèn luyện kỷ luật, tạo sự chuyển biến vững chắc về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những năm qua, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mộc Châu đã xây dựng nghị quyết lãnh đạo, kế hoạch tổ chức thực hiện sát với tình hình của đơn vị, tạo chuyển biến tích cực trên các mặt công tác, phong trào, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, “mẫu mực tiêu biểu”.
  • 'Lựa chọn hàng hóa thương hiệu Việt

    Lựa chọn hàng hóa thương hiệu Việt

    Kinh tế -
    Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sau gần 15 năm triển khai đã nhận được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, khơi dậy tinh thần tự hào, tự tôn của mỗi người dân thông qua việc lựa chọn, tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt. Ở tỉnh ta, Cuộc vận động được triển khai gắn với các hoạt động quảng bá, kết nối, tiêu thụ nông sản trên địa bàn.
  • 'Đảm bảo trật tự an toàn giao thông những tháng cuối năm

    Đảm bảo trật tự an toàn giao thông những tháng cuối năm

    An toàn giao thông -
    Thành phố Sơn La có mật độ phương tiện tham gia giao thông nhiều, nhất là những tháng cuối năm, thời điểm các hộ kinh doanh tập trung vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết. Công an thành phố Sơn La đã chỉ đạo tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
  • 'Hoạt động sáng tác gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

    Hoạt động sáng tác gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

    Hoạt động trên vùng đất quần cư lâu đời của nhiều dân tộc, với sự đan xen, dung hòa các giá trị văn hóa đậm bản sắc, cùng nhiều di tích lịch sử, các nhà máy thủy điện và vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, hội viên Chi hội Văn học nghệ thuật huyện Mường La đã có nhiều tác phẩm mang hơi thở cuộc sống, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, giới thiệu hình ảnh quê hương Mường La với bạn bè trong và ngoài tỉnh.