Đồng hành cùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hành trình thoát nghèo, những năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bắc Yên luôn tạo điều kiện thuận lợi cho bà con vay vốn ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên ổn định cuộc sống.
Cùng cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bắc Yên đi kiểm tra việc sử dụng vốn vay tại mô hình phát triển du lịch homestay của gia đình chị Mùa Thị Xá, bản Tà Xùa, xã Tà Xùa. Ngôi nhà 2 tầng khang trang, tầng 1 để làm nơi đón tiếp du khách, tầng 2 bố trí các phòng nghỉ riêng biệt, ban công tầng 2 được thiết kế sàn rộng có kê bộ bàn ghế cho khách ngồi ngắm cảnh “Thiên đường mây”. Nhắc lại hành trình thoát nghèo, chị Xá kể: Gia đình có 4 khẩu, trước đây, chỉ trông chờ vào cây ngô, cây sắn. Hết mùa gieo hạt, làm nương cũng chẳng biết làm gì, cái nghèo, cái khó cứ đeo đẳng mãi. Năm 2017, Tà Xùa bắt đầu được du khách trong và ngoài tỉnh chú ý, bởi vẻ đẹp hoang sơ, 2 vợ chồng tôi bàn nhau làm homestay. Thông qua tổ chức Hội Phụ nữ, gia đình tôi được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH đầu tư sửa nhà đón khách du lịch. Cuối năm 2019, gia đình tôi trả hết nợ cũ và tiếp tục vay thêm 100 triệu đồng, cộng với tiền tích cóp xây dựng ngôi nhà sàn 2 tầng. Từ khi sửa sang nhà mới, lượng khách đến nhà nghỉ tăng đáng kể; gia đình tôi còn tạo việc làm cho 2 lao động ở bản; mỗi tháng trừ hết chi phí, thu về hơn 10 triệu đồng.
Mô hình vay vốn phát triển chăn nuôi của người dân bản Tân Ban, xã Phiêng Ban (Bắc Yên).
Chị Mùa Thị Lan, Chủ tịch Hội LHPN xã Tà Xùa, cho biết: Hiện, trong xã có hơn chục hộ vay vốn đầu tư kinh doanh dịch vụ homestay, nhiều hộ đã thoát nghèo, có cuộc sống khá giả, từ chỗ vay vốn, giờ còn gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng CSXH. Hội LHPN xã đang quản lý 5 tổ tiết kiệm và vay vốn, với 120 thành viên, dư nợ trên 5,2 tỷ đồng. Điều đáng mừng là không có nợ quá hạn, người dân vay bao nhiêu, làm gì đều được tính toán và phê duyệt trước, có sự giám sát của tổ chức Hội nên đồng vốn đã phát huy hiệu quả.
Hiện nay, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bắc Yên đã bố trí điểm giao dịch ở 16 xã, thị trấn, cho vay bằng tín chấp thông qua tổ 4 chức hội chính trị - xã hội. Phòng Giao dịch cũng đã phối hợp, củng cố, kiện toàn 228 tổ tiết kiệm và vay vốn ủy thác của các tổ chức hội. Đến nay, tổng nguồn vốn thực hiện đạt trên 350 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, doanh số cho vay đạt trên 55,8 tỷ đồng, với gần 1.500 lượt khách hàng được vay vốn. Trong đó, 310 lượt hộ nghèo, 321 lượt hộ cận nghèo, 79 lượt hộ mới thoát nghèo, 285 lượt hộ vay chương trình nước sạch và VSMTNT, 397 lượt hộ vay vốn sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, 68 lượt hộ vay giải quyết việc làm. Từ nguồn vốn vay đã tạo việc làm cho 866 lao động, phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Ông Vũ Đình Tuấn, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, chia sẻ: Với phương châm cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích để phát huy cao nhất hiệu quả đồng vốn vay, các cán bộ của đơn vị ngoài việc phải nắm vững chuyên môn nghiệp vụ còn phải nhiệt tình, trách nhiệm, đi sâu, đi sát để nắm chắc thực tế. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác cho vay ở từng cơ sở kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn và hướng dẫn phát triển sản xuất bền vững từ nguồn vốn chính sách. Đồng thời, nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận với kênh tín dụng ưu đãi để có điều kiện vươn lên thoát nghèo là nhiệm vụ và cũng là trách nhiệm của cán bộ phòng giao dịch Ngân hàng CSXH vì nhân dân phục vụ.
Nguyễn Thị Duyên (Trường Chính trị tỉnh)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!