Ngày mới ở bản Làng Sáng

Nhắc đến bản Làng Sáng, nhiều người biết đây là bản đặc biệt khó khăn của xã Háng Đồng (Bắc Yên), không điện thắp sáng, không sóng điện thoại và đường về bản trước đây vô cùng khó khăn bởi từ trung tâm xã Háng Đồng, đi bộ xuyên rừng gần 1 ngày tới được bản Háng Đồng C, rồi mới đến bản Làng Sáng.

 

 

Nhưng 1 năm nay, con đường đất dài gần 20 km đó đã được đầu tư bê tông hóa, đường về bản của bà con bản Làng Sáng đã thuận lợi hơn rất nhiều. Nhờ đó, người dân được giao lưu, tiếp cận với những cách phát triển kinh tế hiệu quả trong xã, trong vùng, đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều đổi thay ở vùng đất nhiều gian khó này.

 

 

Đường về bản Làng Sáng, xã Háng Đồng (Bắc Yên) đã đi được xe máy.

 

Thành lập năm 1988, bản Làng Sáng nằm ở vùng lõi của rừng đặc dụng Tà Xùa, với đa phần là người Mông gốc ở xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) và người Mông từ xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên di chuyển về định cư. Theo các già bản, "Làng Sáng" tiếng Mông có nghĩa là “khó nghĩ”. Bởi khi di chuyển đến đây, bà con tìm đường xuống vùng thấp hơn để định cư, nhưng cả  hai phía đầu bản đều có con suối lớn, dòng nước chảy xiết, nên không thể lội suối qua được. Việc tiếp tục di cư hay ở lại định cư đã được bàn bạc trong mấy ngày, nhưng không đi đến thống nhất. Sau đó, vì không tìm được cách vượt qua dòng suối chảy xiết, các gia đình mới thống nhất ở lại định cư tại khoảnh đất giữa hai con suối và đặt tên bản là Làng Sáng.

 

 

Ruộng bậc thang mới khai hoang ở Làng Sáng.

 

Giao thông khó khăn, nên bản Làng Sáng dường như biệt lập với các bản khác trong xã Háng Đồng, chỉ khi nào thực sự có việc cần thiết, bà con mới xuống núi. Không có điều kiện tiếp cận với những kiến thức kỹ thuật sản xuất mới, nên bao năm qua, bà con vẫn sản xuất theo phương thức lạc hậu, kinh tế tự túc, tự cấp; hằng ngày vào rừng hái măng, hái rau rừng về phục vụ sinh hoạt của gia đình và vì vậy, cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám cuộc sống người dân nơi đây. 

Người dân bản Làng Sáng, xã Háng Đồng (Bắc Yên) làm đất chuẩn bị cho vụ gieo trồng.

 

Để giúp bà con có cuộc sống tốt hơn, Huyện ủy Bắc Yên, Đảng bộ, chính quyền xã Háng Đồng đã quyết tâm xây dựng con đường thuận lợi cho bản đặc biệt khó khăn này. Từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới và nguồn vốn giảm nghèo, trước khi thi công tuyến đường, mọi thông số đã được tính toán chi tiết, cụ thể, nhất là việc bảo đảm không ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường trong rừng già. Sau hơn 10 tháng thi công, đường về Làng Sáng đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng, mang lại niềm vui cũng như thỏa ước mong bấy lâu nay của người dân bản Háng Đồng C và bản Làng Sáng. Chia sẻ với chúng tôi về con đường về bản đã được đổ bê tông, anh Hạng A Thông, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Làng Sáng bày tỏ vui mừng: Trước đây, do không có đường làm gì cũng khó, giờ có đường rồi, tôi và bà con trong bản sẽ có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế gia đình và thêm niềm tin về cuộc sống sẽ có nhiều đổi thay hơn trước.

 

 

Người dân bản Làng Sáng, xã Háng Đồng (Bắc Yên) chăm sóc cây thảo quả.

 

Lần này về Làng Sáng, đúng thời gian bà con đang khẩn trương dẫn nước vào đồng ruộng và làm đất chuẩn bị cho vụ sản xuất chính trong năm. Được biết, hiện nay, bản Làng Sáng có gần 40 ha ruộng bậc thang, trong đó 17 ha vừa được khai hoang trong năm 2019. Sản phẩm thóc không chỉ phục vụ sinh hoạt của gia đình, bà con còn dành một phần để bán, trang trải những nhu cầu thiết yếu khác. Đứng trên đỉnh đồi, chúng tôi nghe rõ tiếng máy bừa của người dân làm đất ở những cung ruộng bậc thang phía sau bản. Nói về việc khai hoang ruộng bậc thang đạt kết quả đáng khích lệ như hiện nay, anh Hạng A Phua (bản Làng Sáng) phấn khởi khoe rằng, đó là do bản có hệ thống đường ống dẫn nước vào khu ruộng mới. Toàn bộ đường ống này được hoàn thành trước khi có đường giao thông về bản. Khi đó, bản Làng Sáng được nguồn vốn giảm nghèo cấp trên 700 m ống nhựa và ống gan, bà con trong bản bảo nhau cùng đến cửa rừng vận chuyển toàn bộ số ống nước này về bản để lắp đặt. Cũng nhờ vậy, năm nay, dự kiến bà con sẽ khai hoang thêm trên 5 ha ruộng nữa.

 

 

Tuyến đường trục bản Làng Sáng đã được bê tông hóa

 

Bên cạnh làm ruộng, người dân Làng Sáng còn lựa chọn trồng một số loại cây trồng phù hợp với đồng đất và khí hậu đặc trưng của vùng cao như thảo quả, sa nhân, sơn tra, với tổng diện tích gần 30 ha, trong đó 5 ha đã cho thu hoạch. Ngoài ra, để nâng cao giá trị kinh tế của hơn 10 ha chè cổ thụ, người dân Làng Sáng bước đầu học tập kinh nghiệm hái chè, sao chè, để nâng cao thu nhập. Đồng thời, tận dụng những sản phẩm có sẵn trong rừng, như măng để chế biến món ăn truyền thống, bà con dự định, sản phẩm từ măng cũng sẽ trở thành hàng hóa như ở một số nơi khác.

 

 

Một nếp nhà mái bằng gỗ Pơ mu ở bản Làng Sáng

 

Con đường bê tông về bản Làng Sáng đã mở ra nhiều cơ hội cho người dân nơi đây trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội. Cùng với đó là những hướng đi trong phát triển kinh tế- xã hội đã được xác định, tin rằng, “bình minh” đang dần “ló rạng” ở bản vùng cao Làng Sáng. Cuộc sống của bà con dân tộc Mông nơi đây sẽ có những chuyển biến tích cực và những ngày gian khó chỉ còn là câu chuyện trong quá khứ.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới