Những năm gần đây, người dân ở các xã vùng cao huyện Bắc Yên tích cực trồng xen ghép cây thảo quả dưới tán rừng, đã góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân và bảo vệ, phát triển rừng bền vững.
Người dân bản Háng Đồng C, xã Háng Đồng (Bắc Yên) thu hoạch thảo quả.
Nằm cách trung tâm huyện gần 60 km, Hang Chú là một trong những xã có diện tích cây thảo quả lớn nhất ở huyện Bắc Yên. Với điều kiện khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ, diện tích rừng còn khá lớn, cây thảo quả đang phát triển mạnh, trở thành một trong những loại cây xóa đói, giảm nghèo ở Hang Chú. Ông Hờ A Dua, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Toàn xã hiện có gần 320 ha thảo quả, trong đó hơn 120 ha đã cho thu hoạch. Vụ thu hoạch quả năm 2020, sản lượng đạt gần 315 tấn, đem lại nguồn thu hơn 7,8 tỷ đồng cho bà con.
Cùng với xã Hang Chú, cây thảo quả đang được mở rộng diện tích tại các xã: Háng Đồng, Hua Nhàn, Xím Vàng... Nhờ trồng thảo quả, cuộc sống của bà con đang ngày một khấm khá. Giá trị bình quân của cây thảo quả trồng dưới tán rừng tự nhiên cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng/ha. Cây thảo quả ưa sống dưới tán rừng, khả năng sinh trưởng tốt, không phải chăm sóc nhiều, trồng một năm thu hoạch nhiều năm, ít phải đầu tư. Thông qua việc hưởng lợi từ cây thảo quả còn giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng.
Bà Dương Thị Lan Hương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Yên cho biết: Huyện Bắc Yên đã hỗ trợ cây giống, cử cán bộ hướng dẫn bà con cách thức trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây thảo quả; mở các lớp tập huấn kỹ thuật thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch thảo quả để đảm bảo chất lượng; hướng dẫn bà con tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật trồng xen cây thảo quả dưới tán rừng mà không được phát quang các cây mọc dưới tán rừng, không được đốt các cây thảo mộc dưới tán rừng, không làm mất đi sự đa dạng sinh học của các loài cây, cỏ mọc dưới tán rừng. Đến nay, toàn huyện có gần 500 ha cây thảo quả, trong đó có hơn 150 ha đã cho thu hoạch. Nhờ thị trường tiêu thụ lớn, được các thương lái tìm đến thu mua nhiều, đầu ra ổn định nên thảo quả đã được chọn làm cây mũi nhọn, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế của các xã vùng cao tại Bắc Yên.
Người dân bản Pa Cư Sáng, xã Hang Chú (Bắc Yên) bán thảo quả cho thương lái.
Nhờ trồng thảo quả, cuộc sống của bà con vùng cao khấm khá hơn trước, nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên khá giả. Điển hình như gia đình ông Giàng A Chu ở bản Pa Cư Sáng, người tiên phong trồng cây thảo quả dưới tán rừng trên địa bàn xã Hang Chú. Trước đây, kinh tế gia đình ông phụ thuộc vào trồng lúa, trồng ngô và nhặt quả sơn tra đi bán, dù rất cố gắng làm lụng, song thu nhập thấp, cái đói nghèo vẫn đeo bám. Khi nghe báo, đài nói về cây thảo quả, ông đã tự đi xe máy vượt hàng trăm cây số sang tận xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai để tìm hiểu cách trồng, chăm sóc và mang giống cây thảo quả về trồng. Hiện nay, gia đình ông có 3 ha thảo quả, trong đó 2,5 ha đã cho thu hoạch từ 6 - 6,5 tấn quả tươi, bán được hơn 150 triệu. Ngoài trồng thảo quả, gia đình ông trồng cây sơn tra và chăn nuôi, hằng năm thu nhập hơn 300 triệu đồng.
Trồng thảo quả dưới tán rừng là hướng mở để phát triển kinh tế từ nghề rừng, nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần bảo vệ rừng. Vì vậy, huyện Bắc Yên đang quy hoạch vùng trồng cây thảo quả với quy mô lớn tại các xã vùng cao có điều kiện thời tiết, khí hậu, địa hình phù hợp. Kêu gọi và tạo thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp vào tìm hiểu, đầu tư chế biến thảo quả, xây dựng thảo quả thành sản phẩm OCOP của huyện, từng bước hỗ trợ đầu ra bền vững cho người trồng thảo quả trên địa bàn toàn huyện.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!