Những năm qua, công tác khuyến nông ở các xã vùng cao huyện Bắc Yên đã có nhiều đổi mới thông qua việc nâng cao chất lượng hoạt động về xây dựng các mô hình trình diễn, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất cho nông dân, góp phần thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Cán bộ khuyến nông xã Tà Xùa (Bắc Yên) kiểm tra cây chè shan tuyết ghép.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Yên, cho biết: Từ những buổi tập huấn kỹ thuật, nhiều gia đình ở các xã đã từng bước chuyển từ sản xuất tự cung, tự cấp sang đầu tư thâm canh theo hướng hàng hóa. Riêng 6 tháng qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã tổ chức nhiều hoạt động, như: Phát tờ rơi về lịch thời vụ và cơ cấu cây trồng; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn cho hơn 1.800 lượt người về cách phòng, chống sâu keo mùa thu trên cây ngô và chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây nhãn, xoài phục vụ tiêu thụ và xuất khẩu; chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể các xã tuyên truyền, vận động nhân dân chăm sóc cây mận, sơn tra trồng mới và sau ghép; mở rộng diện tích trồng chuối và trồng cỏ gắn với phát triển mô hình nuôi gia súc nhốt chuồng.
Toàn huyện hiện có 22 cán bộ khuyến nông cơ sở có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn. Đội ngũ khuyến nông trên địa bàn huyện đang tập trung triển khai các mô hình, dự án khuyến nông, như: Cải tạo và phát triển cây chè Shan tuyết xã Tà Xùa; cải tạo, thâm canh vườn sơn tra mẫu xã Làng Chếu; mô hình trồng lê xã Tà Xùa, Háng Đồng và trồng cây dược liệu ở xã vùng cao; hướng dẫn nhân dân chăm sóc bò sinh sản theo Chương trình 30a, Chương trình 135... Theo đánh giá đến nay, các giống cây trồng được hỗ trợ phù hợp với điều kiện tự nhiên và phát triển tốt; các mô hình, dự án khuyến nông được triển khai đạt kế hoạch, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Ngoài thực hiện công tác khuyến nông theo các chương trình dự án, đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở còn tích cực khảo sát nhu cầu tập huấn theo mùa vụ, tập huấn theo nhu cầu tự nguyện cho hàng nghìn lượt nông dân tại cơ sở.
Cùng chị Đinh Thị Ngoãn, cán bộ khuyến nông Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đi kiểm tra mô hình chăm sóc nương chè Shan tuyết Tà Xùa, thấy được cách làm mới, sáng tạo của cán bộ khuyến nông nơi đây. Từ những cây chè có thân, ngọn màu đỏ, cho chất lượng và giá bán thấp, cán bộ khuyến nông xã đã vận động bà con đốn tỉa, ghép cải tạo, thay thế thành công giống chè Shan tuyết cho sản phẩm có chất lượng tốt hơn, giá bán cao ở bản Mống Vàng. Chị Ngoãn chia sẻ: Tôi được phân công phụ trách 5 xã vùng cao huyện Bắc Yên; với địa bàn rộng, địa hình chia cắt, bất đồng về ngôn ngữ nên việc đi cơ sở gặp rất nhiều khó khăn. Ban đầu xuống cơ sở hướng dẫn bà con, tôi phải nhờ người phiên dịch. Qua nhiều năm công tác, tôi đã tự học và nói thạo tiếng của đồng bào dân tộc nơi đây và thường xuyên xuống bản nắm bắt tâm tư của người dân, hướng dẫn người dân thực hiện các kỹ thuật, phương pháp chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi, giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm để tăng thu nhập. Đến nay, bà con đã biết tận dụng phụ phẩm nông nghiệp và trồng cỏ để làm thức ăn cho trâu, bò; nhân rộng nhiều mô hình cải tạo cây chè, cây sơn tra. Qua câu chuyện của chị Ngoãn chia sẻ, chúng tôi đã phần nào cảm nhận được sự vất vả của người làm công tác khuyến nông. Dù giao thông đến các bản vẫn còn nhiều trở ngại, kinh phí hoạt động còn thấp nhưng các cán bộ khuyến nông vẫn kiên trì bám bản, luôn là người bạn thân thiết của bà con vùng cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho vùng đất nơi đây.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục triển khai các đợt tập huấn và các mô hình trình diễn gắn với cơ sở và nhu cầu thực tế của người dân, đẩy mạnh thực hiện các chương trình dự án, chuyển giao nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất theo hướng an toàn, hiệu quả, đảm bảo vệ sinh môi trường gắn với liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!