Bắc Yên là huyện vùng cao có 7 dân tộc anh em cùng chung sống, gồm: Mông, Thái, Mường, Dao, Khơ Mú, Kinh và Tày. Mỗi dân tộc có những phong tục, tập quán, nét văn hóa đặc sắc riêng biệt. Những năm qua, cùng với quan tâm phát triển kinh tế, huyện Bắc Yên chú trọng bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tiết mục văn nghệ tại Ngày hội văn hóa dân tộc Mông, xã Hang Chú.
Theo ông Phạm Thanh Bình, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bắc Yên, cho biết: Huyện đã tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của nhân dân các dân tộc trong việc lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của từng dân tộc. Hằng năm tổ chức nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật, các hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng tạo không gian văn hóa nuôi dưỡng, phát triển nghệ thuật văn hóa dân tộc. Công tác phục dựng và bảo tồn các lễ hội truyền thống được quan tâm, như: Lễ hội Cầu mùa của dân tộc Dao xã Phiêng Côn; Lễ hội Xên Bản của dân tộc Thái bản Cang Hợp, xã Phiêng Ban; Ngày hội văn hóa, thể thao xã Hang Chú...
Lễ hội Xên Bản của đồng bào dân tộc Thái tại bản Cang Hợp, xã Phiêng Ban.
Thông qua đó, các nét nghệ thuật dân tộc, trò chơi dân gian truyền thống, như: múa xòe, múa sạp của dân tộc Thái, Mường; múa khèn, thổi sáo, đàn môi của dân tộc Mông, múa chuông của dân tộc Dao; ném còn, ném pa pao, đẩy gậy, tu lu, bắn nỏ... được khôi phục, bảo tồn. Nhiều ngành nghề truyền thống cũng được khôi phục và phát triển, như: Nghề rèn, thêu may trang phục dân tộc, làm khèn bè, nấu rượu Hang Chú của người Mông, đan mây tre của người Mường, Thái... Hiện, có nhiều sản vật của huyện được đông đảo du khách biết đến như chè Tà Xùa, măng ớt Háng Đồng, rượu Hang Chú...
Điểm mới tích cực trong bảo tồn văn hóa dân tộc một cách bền vững, đó là huyện Bắc Yên đang nỗ lực gắn các hoạt động kinh tế với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Điển hình của cách làm này là mô hình Tổ liên kết phụ nữ thêu may trang phục dân tộc Mông tại xã Tà Xùa và Hua Nhàn. Chị Lù Thị Vế, thành viên Tổ liên kết, cho hay: Từ ngày tham gia tổ liên kết, tôi đã học được nghề thêu của các bà, các mẹ truyền dạy, tạo ra nhiều sản phẩm bán cho du khách, góp phần tăng thu nhập cho gia đình.
Công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở cũng được huyện Bắc Yên quan tâm triển khai thực hiện đạt kết quả tích cực. Đến nay, 100% số bản trong huyện có nhà văn hóa; duy trì hoạt động của 189 đội văn nghệ bản hoạt động thường xuyên; 100% bản, tiểu khu có quy ước, hương ước, 100% lễ hội được tổ chức theo nếp sống văn minh đảm bảo đúng quy định; các hủ tục lạc hậu từng bước được đẩy lùi, môi trường văn hóa được xây dựng lành mạnh, tiến bộ, văn minh. Qua đó, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, năm 2020 toàn huyện có 65,1% gia đình văn hóa; 69,9% bản, tiểu khu văn hóa, 97,5% cơ quan, đơn vị văn hóa.
Năm 2021, huyện Bắc Yên tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ hoàn thiện thiết chế văn hóa; quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn; gìn giữ, sưu tầm, bảo tồn trang phục, nhạc cụ, công cụ sản xuất, tranh ảnh, làng nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc... nhằm vừa lưu giữ truyền thống dân tộc vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!