Chăn nuôi đã và đang là một trong những thế mạnh trong phát triển kinh tế của nông dân huyện Bắc Yên; toàn huyện hiện có gần 63 nghìn con gia súc và trên 270 nghìn con gia cầm. Để bảo vệ đàn vật nuôi, hằng năm huyện đã chỉ đạo các xã thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, hạn chế thấp nhất các thiệt hại cho các hộ chăn nuôi.
Nông dân bản Tân Cuông, xã Tạ Khoa (Bắc Yên) ủ chua thức ăn cho gia súc.
Là huyện vùng cao, khí hậu từng vùng khá phức tạp, biên độ nhiệt trong ngày dao động lớn, bởi vậy dịch bệnh thường phát sinh trên đàn vật nuôi vào thời điểm giao mùa. Từ thực tế đó, hằng năm, cơ quan chức năng của huyện đều chủ động chỉ đạo các xã, thị trấn thống kê số lượng đàn vật nuôi để chuẩn bị đầy đủ số lượng vắc-xin tiêm phòng; bố trí lịch tiêm phòng tại từng bản... theo thống kê, trung bình mỗi năm Bắc Yên tiêm trên 4.000 liều vắc-xin lở mồm long móng và tụ huyết trùng cho trâu, bò; trên 7.000 liều vắc-xin các loại cho đàn gia cầm. Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, biện pháp giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch cho người dân, cán bộ thú y xã, bản tăng cường kiểm tra, kiểm soát dịch trên đàn vật nuôi, 5 đến 7 ngày phun thuốc khử trùng, tiêu độc chuồng trại chăn nuôi một lần; các địa phương đều quy định không được vận chuyển gia súc, gia cầm mắc bệnh ra vào địa bàn thời điểm có dịch. Song song với các hoạt động trên, cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn người dân xây dựng, gia cố chuồng trại để chăn nuôi theo hình thức nhốt chuồng. Đặc biệt, khuyến cáo bà con bổ sung thức ăn tinh bột cho gia súc để tăng sức đề kháng; tận dụng bìa rừng, nương trồng cây lương thực ngắn ngày để trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi. Bắc Yên hiện có gần 100 ha cỏ các loại.
Ngay sau đợt dịch tả lợn châu Phi, việc tái đàn được Bắc Yên rất chú trọng, bà Dương Thị Lan Hương, Trưởng Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện, khẳng định: Đối với việc tái đàn sau dịch bệnh, huyện thực hiện phương châm “chậm nhưng chắc”, nhằm hạn chế các rủi ro. Để tái đàn hiệu quả, chúng tôi phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn bà con vệ sinh chuồng trại, tiêm vắc-xin định kỳ, đầy đủ cho toàn bộ đàn vật nuôi; yêu cầu, nhắc nhở bà con nông dân không giấu dịch, để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Tạ Khoa là một trong những xã chăn nuôi khá phát triển, toàn xã hiện có trên 4.700 con gia súc và 16.600 con gia cầm; xã thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, tiêm vắc-xin định kỳ, khuyến khích làm chuồng trại để nuôi nhốt gia súc. Ông Quàng Văn Quyền, Chủ tịch UBND xã nhắc lại thời điểm giáp Tết Canh Tý, khi phát hiện địa bàn xã xuất hiện dịch lở mồm long móng trên gia súc, xã đã chỉ đạo cán bộ thú y hướng dẫn người dân nhanh chóng cách ly những con bị bệnh, dùng lá chua, măng chua, nước mía lên men và thuốc tím để xử lý... Do được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, xã đã khống chế và dập dịch thành công, không con gia súc nào bị chết.
Chủ động phòng dịch hơn chống dịch trên đàn vật nuôi đã và đang được nông dân huyện Bắc Yên thực hiện nghiêm túc, hạn chế thấp nhất dịch bệnh xảy ra, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!