Thực hiện các mục tiêu bảo đảm trật tự ATGT, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn toàn tỉnh thời gian gần đây có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần bảo vệ an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
Năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, các lực lượng chức năng của tỉnh đã tham mưu, chủ động triển khai thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông (chiếm khoảng 20% trên tổng số các hành vi vi phạm). Tuy nhiên, tình hình vi phạm về nồng độ cồn vẫn còn diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông; trong đó có những trường hợp là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang.
Qua phân tích, đánh giá cho thấy tình hình tai nạn giao thông, nhất là tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Năm 2022 và 3 tháng đầu năm nay, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 5 vụ tai nạn giao thông liên quan đến người điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu, bia, làm 7 người chết, 5 người bị thương, gây thiệt hại lớn về tài sản. Nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý chủ quan, coi thường pháp luật của người điều khiển phương tiện giao thông, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông chưa thực sự quyết liệt, hiệu quả chưa cao.
Trước tình trạng trên, các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp về kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; quyết tâm thực hiện khẩu hiệu “Đã uống rượu, bia - không lái xe”, từng bước xây dựng văn hóa khi tham gia giao thông.
Tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ trong các cơ quan, đơn vị và nhân dân. Phấn đấu mỗi cán bộ, công chức, viên chức là một “tuyên truyền viên”, vận động việc chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, nhất là không điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia. Nghiêm cấm can thiệp, tác động vào quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng thực thi công vụ. Thủ trưởng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị, địa phương mình quản lý vi phạm.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; nội dung tuyên truyền phải có chiều sâu, tác động mạnh mẽ đến tâm lý, ý thức tự trọng của người tham gia giao thông, tạo sự lan tỏa rộng rãi, tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, lên án các hành vi vi phạm làm ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhân dân.
Các lực lượng chức năng tiến hành tổng rà soát và tổ chức làm việc trực tiếp với các cơ sở kinh doanh có điều kiện phát sinh vi phạm về nồng độ cồn trên địa bàn (các nhà hàng, quán bar, karaoke, trung tâm tiệc cưới,...). Huy động tối đa lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, đảm bảo nghiêm minh, quyết liệt, hiệu quả. Quá trình xử lý, xác định người vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đảng viên, người lao động trong các cơ quan Nhà nước thì phải thông báo đầy đủ hành vi vi phạm về cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng của người vi phạm để xử lý theo quy định.
Tổ chức điều tra, truy tố, xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân do người điều khiển phương tiện gây tai nạn có nồng độ cồn; người điều khiển phương tiện cản trở, chống đối, chống người thi hành công vụ theo quy định; tổ chức xét xử công khai, lưu động, góp phần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao tính răn đe, phòng ngừa xã hội.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!