Giao thông là huyết mạch của nền kinh tế, là đòn bẩy quan trọng để phát triển kinh tế, vì vậy, tỉnh Sơn La luôn quan tâm đầu tư phát triển mạng lưới giao thông từ thành thị đến nông thôn, tạo thuận lợi giao thương hàng hóa, lưu thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh hiện có tổng chiều dài trên 18.286 km, gồm: 884,8 km quốc lộ; 1.006 km đường tỉnh; 1.956 km đường huyện; 237,6 km đường đô thị; 5.327 km đường xã; 309 km đường chuyên dùng và trên 8.564 km đường giao thông nông thôn khác.
Ông Nguyễn Văn Chính, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, cho biết: Sở tăng cường công tác quản lý Nhà nước về công tác quy hoạch, kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ của ngành; chủ động phối hợp, tham gia lập Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đề xuất phương án phát triển mạng lưới giao thông tích hợp vào quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tổ chức quản lý, thực hiện các quy hoạch phát triển giao thông vận tải được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; kịp thời rà soát, tham mưu chấp thuận điều chỉnh bổ sung quy hoạch một số tuyến đường để đầu tư đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025. Nổi bật là một số dự án giao thông quan trọng, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, như: Tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La), dự án cải tạo nâng cấp Cảng hàng không Nà Sản, hoàn thành tuyến tránh thành phố Sơn La tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.
Sở Giao thông Vận tải đã tham mưu đề xuất các giải pháp thực hiện chương trình cứng hóa đường ô tô đi được đến trung tâm xã. Năm 2022, Sở tích cực phối hợp với các sở, ngành, chủ đầu tư để kịp thời giải quyết các khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công trong quá trình thực hiện dự án đường nối quốc lộ 37, huyện Bắc Yên với quốc lộ 279D, huyện Mường La để sớm hoàn thành mục tiêu cứng hóa đường ô tô đến trung tâm 5 xã còn lại thuộc huyện Bắc Yên và Mường La (xã Chim Vàn, Pắc Ngà, huyện Bắc Yên; xã Chiềng Công, Chiềng Ân, Chiềng Hoa, huyện Mường La). Đến nay, 199/204 xã có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa, đạt tỷ lệ 97,5%.
Công tác phát triển đường giao thông nông thôn được quan tâm triển khai, Sở đã phối hợp, đôn đốc UBND các huyện đẩy mạnh phong trào phát triển giao thông nông thôn theo Nghị quyết của HĐND tỉnh và theo chỉ đạo của UBND tỉnh, xây dựng và ban hành hướng dẫn thực hiện tiêu chí số 2 về giao thông thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Năm 2022, toàn tỉnh đã thực hiện cứng hóa được 213 tuyến đường giao thông nông thôn với chiều dài 105,3 km, tổng kinh phí đầu tư 134,7 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 90,8 tỷ đồng; nhân dân đóng góp 43,9 tỷ đồng.
Thành phố là một trong những địa phương tiêu biểu trong xây dựng đường giao thông, năm 2022 có 28 tuyến đường với tổng chiều dài 14,1 km được cứng hóa. Ông Nguyễn Thế Phương, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, cho biết: UBND Thành phố đã chủ động cân đối bố trí ngân sách, huy động nguồn lực đóng góp của nhân dân để triển khai thực hiện cứng hóa đường giao thông nông thôn. Năm 2022, Thành phố đã hoàn thành cứng hóa 28 tuyến đường giao thông nông thôn với chiều dài 14,1 kinh phí hơn 22,2 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ trên 11,4 tỷ đồng; nhân dân đóng góp gần 11 tỷ đồng. Các tuyến đường giao thông được đầu tư đồng bộ, làm thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Công tác quản lý, bảo trì đường bộ được thực hiện thường xuyên, hiệu quả. Ban Quản lý bảo trì đường bộ (Sở Giao thông Vận tải) được giao quản lý, bảo dưỡng thường xuyên 28 tuyến đường với tổng chiều dài trên 1.671 km. Trong đó, 9 tuyến quốc lộ với chiều dài trên 671 km; 19 tuyến đường tỉnh với chiều dài hơn 1.000 km; thực hiện quản lý 19 dự án sửa chữa định kỳ, đột xuất.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Phó Giám đốc Ban Quản lý bảo trì đường bộ, cho biết: Hằng tháng, đơn vị đã cùng với các nhà thầu bố trí nhân viên thực hiện công tác tuần đường, cập nhật kết quả khắc phục hư hỏng, xuống cấp của công trình; tham gia xử lý tai nạn, khắc phục bão lũ, bảo vệ công trình và hành lang an toàn đường bộ, báo cáo theo quy định; tăng cường rà soát bổ sung đầy đủ biển báo hiệu đường bộ các tuyến đường có nguy cơ mất an toàn giao thông; chỉnh trang, nắn sửa hệ thống cọc tiêu, biển báo… trên tuyến, đảm bảo phát huy hiệu quả. Năm 2022, Ban thực hiện quản lý 23 dự án sửa chữa định kỳ, đột xuất, trong đó: 21 dự án trên quốc lộ, 2 dự án đường tỉnh; các dự án triển khai thi công đảm bảo chất lượng, hoàn thành đúng tiến độ đề ra, phát huy hiệu quả vốn đầu tư.
Cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và sự tham gia đóng góp của nhân dân, hệ thống đường giao thông ngày càng đồng bộ, hiện đại sẽ là nền tảng vững chắc để địa phương tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa, hoàn thiện hệ thống đường giao thông, tạo động lực để tỉnh ta phát triển nhanh và bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!