Triển khai Luật Căn cước đi vào thực tiễn, đồng bộ, hiệu quả

Luật Căn cước đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 với nhiều điểm mới, tác động trực tiếp đến người dân. Phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Phạm Thanh Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Sơn La về vấn đề này.

 

Thượng tá Phạm Thanh Tâm, Trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Sơn La. 

Phóng viên: Luật Căn cước vừa được Quốc hội thông qua có những điểm mới nào đáng chú ý thưa ông?

Thượng tá Phạm Thanh Tâm: Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua dự án Luật Căn cước thay thế cho Luật Căn cước công dân 2014. Theo đó, thẻ Căn cước công dân cũng sẽ được gọi với tên mới là thẻ Căn cước, trên thẻ căn cước sẽ không có thông tin quê quán, vân tay.

Luật Căn cước năm 2023 đã bổ sung quy định về căn cước điện tử. Theo đó, mỗi công dân chỉ có 1 căn cước điện tử. Ngoài ra, trong luật cũng quy định việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân vào thẻ căn cước và căn cước điện tử theo đề nghị của người dân. Cùng với đó, luật quy định về việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi theo nhu cầu để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân. Luật Căn cước cũng quy định về việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, đang sinh sống tại Việt Nam.

Một điểm mới được sự quan tâm là điều chỉnh một số thông tin trên thẻ căn cước để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư. Đối với những thẻ căn cước công dân đã cấp thì vẫn còn nguyên giá trị sử dụng, không bị tác động bởi quy định này. Thẻ CCCD gắn chip có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ. Đồng thời Luật mới cũng quy định bổ sung thu thập thông tin về mống mắt khi làm thủ tục cấp thẻ căn cước từ ngày 1/7/2024 và quy định về việc giấy chứng minh nhân dân sẽ hết giá trị sử dụng kể từ ngày 1/1/2025.

Công dân đã được cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 thì theo khoản 17 Điều 3, Điều 31 Luật Căn cước năm 2023, đây sẽ là căn cước điện tử của công dân. Khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, tùy theo cách thức thực hiện (như trực tiếp hoặc trực tuyến), công dân có thể lựa chọn sử dụng thẻ căn cước hay căn cước điện tử cho phù hợp với nhu cầu của mình.

Phóng viên Báo Sơn La trao đổi với Thượng tá Phạm Thanh Tâm, Trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Sơn La.

Phóng viên: Thưa ông, tính năng bảo mật giữa thẻ căn cước công dân và thẻ căn cước có gì khác nhau? Mức độ bảo mật ở thẻ căn cước mới để chống làm giả ?

Thượng tá Phạm Thanh Tâm: Hiện nay, cả thẻ căn cước công dân và thẻ căn cước đều được thiết kế, sản xuất bảo đảm tính bảo mật, bảo an cao, rất khó để làm giả. Công nghệ triển khai trên thẻ căn cước tuân thủ theo tiêu chuẩn bảo mật của thế giới (tiêu chuẩn ICAO), đảm bảo thẻ không thể bị theo dõi ngầm, không bị đọc trộm thông tin trên thẻ. Việc khai thác dữ liệu trong thẻ căn cước đòi hỏi các phần mềm, phần cứng phải tuân thủ theo tiêu chuẩn ICAO, tiêu chuẩn do Bộ Công an ban hành và phải có xác thực của chủ thẻ. Không chỉ vậy, thẻ căn cước còn có chức năng đối sánh vân tay, khuôn mặt của công dân với vân tay và khuôn mặt lưu trong chip, cho phép xác thực đảm bảo chính xác chủ thẻ, nên việc lấy trộm thẻ căn cước để sử dụng vào các mục đích bất hợp pháp là không thể thực hiện. So với thẻ căn cước công dân thì thẻ căn cước sẽ được mở rộng, tích hợp thông tin nhiều loại giấy tờ khác của công dân vào thẻ.

Dự kiến mẫu căn cước mới dành cho người từ 6 tuổi trở lên - Ảnh: Bộ Công an

Phóng viên: Tại tỉnh Sơn La, việc triển khai thực hiện Luật Căn cước được triển khai, thực hiện như thế nào, thưa ông?

Thượng tá Phạm Thanh Tâm: Công an tỉnh Sơn La đã tham mưu với UBND tỉnh bành Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 7/3/2024 về triển khai thi hành Luật Căn cước, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong triển khai thi hành luật; đặc biệt là công tác rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đề xuất với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới cho phù hợp với quy định của Luật Cư trú 2020; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung Luật, những điểm mới, trình tự thủ tục cấp căn cước, quyền và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong triển khai thi hành Luật.

Công an tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 85/KH-CAT-PC06 ngày 28/02/2024 về triển khai các hạng mục thực hiện Luật Căn cước để chỉ đạo thực hiện trong lực lượng, tập trung thực hiện tốt công tác phổ biến, quán triệt Luật đến toàn thể CBCS trong lực lượng, đặc biệt là số cán bộ trực tiếp thực hiện công tác cấp, quản lý căn cước; phối hợp với các cơ quan báo chí trong và ngoài ngành, chính quyền cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền Luật trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân hiểu và chấp hành; tổ chức rà soát, bố trí đầy đủ nguồn nhân lực thực hiện công tác cấp, quản lý căn cước tại các cấp; chuẩn bị các nội dung phục vụ tổ chức Hội nghị tập huấn Luật Căn cước, chủ động phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an để tiếp nhận trang thiết bị, chuyển giao công nghệ để thực hiện công tác cấp căn cước theo quy định mới. 

Để Luật Căn cước thực sự đi vào thực tiễn trong đời sống xã hội, trong thời gian tới, Công an tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là về điểm mới của Luật, nội dung có tác động trực tiếp công dân. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ chuẩn bị các điều kiện về thiết bị, tiếp nhận chuyển giao công nghệ để tổ chức cấp căn cước cho công dân ngay sau khi Luật có hiệu lực thi hành.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Mặt sau của căn cước mới được đề xuất - Ảnh: Bộ Công an

 

 

Thủy Ngân (thực hiện)
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới