Xuất phát từ thực tế về tình hình an ninh trật tự và những nguy cơ tiềm ẩn về sự phức tạp của hoạt động tội phạm trên địa bàn, Đảng ủy Công an huyện Quỳnh Nhai đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Nghị quyết 04-NQ/HU về lãnh đạo thực hiện “Cuộc vận động toàn dân tham gia quản lý, giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi”. Sau hơn 2 năm thực hiện đã thu được kết quả.
Quỳnh Nhai là huyện vùng lòng hồ, địa hình bị chia cắt khá phức tạp; giáp danh với tỉnh Lai Châu và Điện Biên, có quốc lộ 6B và 279 đi qua, thuận lợi giao thương nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ về các loại tội phạm thâm nhập vào địa bàn. Việc quản lý những người sau chấp hành án phạt trở về địa phương trước đây chưa được chặt chẽ, hiệu quả, có nguy cơ quay lại con đường cũ.
“Cuộc vận động toàn dân tham gia quản lý, giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi” được phát động nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, nêu cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, vừa giáo dục động viên, giúp đỡ những người lầm lỗi chấp hành nghiêm sự quản lý tại địa phương, trở thành công dân tốt.
Thượng tá Trần Việt Cường, Trưởng Công an huyện Quỳnh Nhai, cho biết: Công an huyện đã trực tiếp hướng dẫn các xã tiến hành rà soát, phân loại, xác định người lầm lỗi để đưa vào diện quản lý, thực hiện các biện pháp giáo dục, cảm hóa. Phân công mỗi xóm/bản có 1-2 công an chính quy trực tiếp thực hiện công tác quản lý, theo dõi. Giao trách nhiệm cho ban quản lý các bản/xóm, các khối đoàn thể cùng chung tay vào cuộc thực hiện cuộc vận động. Mỗi tuần có ít nhất 1 lần, tổ theo dõi đến tận nhà người trong diện quản lý để gặp gỡ, động viên, nắm bắt tâm tư nguyện vọng và những khó khăn họ gặp phải để có giải pháp đề xuất giúp đỡ. Đồng thời, đánh giá tình tình rèn luyện, phấn đấu của những người lầm lỗi để đưa ra khỏi diện quản lý khi đạt yêu cầu.
Mô hình được triển khai thí điểm tại xã Mường Giôn. Với sự hướng dẫn của Công an huyện, xã đã nhanh chóng vào cuộc, tiến hành rà soát và đưa vào diện quản lý những người lầm lỗi đang cư trú trên địa bàn, tuyên truyền để nhân dân, gia đình người thuộc diện quản lý hiểu được ý nghĩa của cuộc vận động và huy động các quần chúng tốt cùng tham gia quá trình theo dõi, giúp đỡ người lầm lỗi.
Anh Hoàng Văn Học, Chủ tịch UBND xã Mường Giôn, chia sẻ: Từ khi triển khai mô hình đến nay, xã Mường Giôn đã đưa vào diện quản lý 84 người, đưa ra khỏi diện quản lý 20 người. Nhiều trường hợp người sau quản lý đã quay trở lại với cuộc sống bình thường, có công việc ổn định, tích cực tham gia vào các hoạt động của địa phương. Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã ổn định hơn, số vụ trộm cắp vặt, nghiện ma túy giảm nhiều so với trước đây.
Mô hình được cấp ủy, chính quyền các cấp của Quỳnh Nhai đề cao, tăng cường quán triệt thực hiện nghiêm túc trên địa bàn từng xã. Nhân dân đồng tình hưởng ứng, không có thái độ kỳ thị, xa lánh mà ngược lại, quan tâm những người trong diện quản lý, giúp những người lầm lỗi không bị mặc cảm, tự ti và nhanh chóng hoàn lương để hòa nhập với cuộc sống.
Trong 2 năm thực hiện cuộc vận động, toàn huyện đã tổ chức trên 30 hội nghị, cuộc họp lồng ghép tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về công tác quản lý, giáo dục, cảm hoá người lầm lỗi với trên 3.000 lượt người tham gia. Tiến hành rà soát ban đầu đưa vào diện quản lý, giáo dục cảm hóa 862 người, bổ sung thêm 321 người trong quá trình triển khai thực hiện và đã đưa ra khỏi diện quản lý 761 người.
Anh Phạm Bá Dân, xóm 2, xã Mường Giàng từng là một giáo viên nhưng lỡ sa vào con đường tệ nạn, nghiện ma túy và bị đuổi việc. Sau khi cai nghiện trở về địa phương, anh tiếp tục tái nghiện và còn phạm tội tàng trữ trái phép ma túy, bị xử phạt 2 năm tù giam. Năm 2015, chấp hành xong án phạt trở về địa phương với quyết tâm cai nghiện và được sự giúp đỡ của các tổ chức tại nơi cư trú, anh đã dần bỏ được ma túy để làm lại cuộc đời.
Anh Dân chia sẻ: Tôi đã được động viên, giúp đỡ rất nhiều, giúp tôi lấy lại tinh thần và ý chí phấn đấu, rời xa con đường tội lỗi trước đây. Đến nay, tôi đã mở xưởng mộc nhỏ, thuê 2 nhân công cùng làm, doanh thu mỗi tháng từ 15-20 triệu đồng, giúp tôi ổn định cuộc sống và chăm lo cho bố mẹ già. Tôi cũng mong muốn những người từng như tôi sớm nhận ra lỗi lầm của mình để làm lại cuộc đời khi chưa quá muộn.
Trung tá Hà Văn Trường, Phó Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an huyện Quỳnh Nhai, thông tin: Hiện tại, toàn huyện có 332 người trong diện quản lý, giáo dục, cảm hóa. Các tổ quản lý tiếp tục triển khai các biện pháp theo dõi, đánh giá, tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến mỗi gia đình và người dân. Bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình và bổ sung vào diện quản lý khi cần.
Qua 2 năm triển khai, “Cuộc vận động toàn dân tham gia quản lý, giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi” tại Quỳnh Nhai đã và đang đem lại những hiệu quả thực tế. Những người lầm lỗi, chót xa ngã vào con đường tệ nạn, được giúp đỡ chân thành, trở lại với cuộc sống lương thiện, góp phần giữ vững tình hình an ninh trật tự trên địa bàn huyện, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!