Thực hiện mục tiêu đến hết năm 2025, có 100% số công an xã được đầu tư, xây dựng trụ sở làm việc, tỉnh ta đã tập trung chỉ đạo Công an tỉnh phối hợp chặt chẽ với các ngành, đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng trụ sở công an xã, thị trấn, đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, nơi làm việc, sinh hoạt cho cán bộ chiến sĩ.
Quyết liệt triển khai
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, từ năm 2019 đến nay, Công an tỉnh đã bố trí công an chính quy tại 197/197 xã, thị trấn. Lực lượng công an cấp xã đã, đang phát huy tốt vai trò nòng cốt trong bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở. Tuy nhiên, công an cấp xã chưa có trụ sở độc lập, thiếu nơi làm việc, nơi ở, sinh hoạt cho cán bộ chiến sĩ gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác.
Theo Nghị quyết 12-NQ/ĐUCA ngày 25/7/2022 của Đảng ủy Công an Trung ương về “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng công an xã, thị trấn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”, trong đó có mục tiêu “đến hết năm 2025, có 100% số công an xã được đầu tư, xây dựng trụ sở làm việc, sinh hoạt đáp ứng yêu cầu công tác”. Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 128-KH/TU ngày 3/10/2022 về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng công an xã, thị trấn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. HĐND tỉnh ban hành nghị quyết, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định về việc phê duyệt và điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình trụ sở làm việc công an xã, thị trấn thuộc công an các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí đầu tư xây dựng trên 268 tỷ đồng từ nguồn kinh phí địa phương, để khởi công thực hiện đầu tư xây dựng 75/197 trụ sở công an xã, thị trấn trên địa bàn 10 huyện của tỉnh và mua sắm thiết bị cho công an các xã, thị trấn từ năm 2022.
Để đảm bảo mục tiêu “đến hết năm 2025, có 100% số công an xã được đầu tư, xây dựng trụ sở làm việc, sinh hoạt đáp ứng yêu cầu công tác”, Công an tỉnh đã báo cáo Bộ Công an, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục đầu tư các xã còn lại và đồng thời phối hợp với các sở, UBND các huyện rà soát tài sản công là cơ sở vật chất cũ (trụ sở UBND xã, trạm y tế, trường học, trung tâm khuyến nông, Hhạt giao thông, chi cục thuế cũ ...) mà các đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh không còn nhu cầu sử dụng phù hợp để đề nghị được tiếp nhận lại, thực hiện cải tạo, sửa chữa làm trụ sở cho công an xã, thị trấn.
Theo đó, Bộ Công an đã cấp bổ sung kinh phí hơn 23 tỷ để thực hiện cải tạo sửa chữa cơ sở vật chất cũ. HĐND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư 51 dự án xây dựng trụ sở công an xã, thị trấn tại Nghị quyết số 243/NQ-HĐND ngày 15/11/2023 với tổng mức đầu tư gần 182 tỷ đồng. Nguồn kinh phí đối ứng cụ thể Bộ Công an cấp hỗ trợ hơn 76 tỷ đồng, UBND tỉnh cấp trên 105 tỷ đồng. Ngoài ra, UBND các huyện Sông Mã, Phù Yên và Thành phố hỗ trợ thực hiện đầu tư xây dựng, gồm xã Chiềng Xôm, Thành phố; xã Bó Sinh, huyện Sông Mã; xã Bắc Phong, Nam Phong, huyện Phù Yên với tổng mức hơn 14 tỷ đồng.
Quá trình triển khai các dự án chủ đầu tư đã gặp nhiều khó khăn trong công tác quy hoạch đất, đền bù giải phóng mặt bằng, điều chuyển tài sản công... Do đó, UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện dự án “Đầu tư xây dựng công trình trụ sở làm việc công an xã, thị trấn thuộc công an huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh” (gọi tắt là Tổ công tác 1457) do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng. Tổ công tác thường xuyên tổ chức họp nắm bắt tiến độ, khó khăn, vướng mắc và đề ra giải pháp nhằm tháo gỡ trong công tác điều chuyển tài sản công và quy hoạch, bố trí, bàn giao cấp đất, đền bù giải phóng mặt bằng để thúc đẩy triển khai nhanh dự án.
Đẩy nhanh tiến độ
Đại tá Đinh Công Thành, Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho biết: Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai, giải ngân đối với từng dự án và đốc thúc quyết liệt việc triển khai hoàn thành theo kế hoạch đề ra; tập trung chỉ đạo xử lý các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong triển khai thực hiện. Phối hợp với các sở ngành, UBND các huyện, thành phố xử lý các vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, điều chuyển tài sản công và các thủ tục đầu tư. Tăng cường kỷ luật, xác định rõ và nâng cao trách nhiệm của từng cá nhân liên quan trong công tác triển khai dự án, thúc đẩy tiến độ thực hiện.
Cùng với đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai các dự án đầu tư công; kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; tổ chức các tổ công tác của Công an tỉnh kiểm tra, giám sát tiến độ triển khai các công trình, nhằm kiểm soát tốt chất lượng, tiến độ của dự án và nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để tham mưu kịp thời cho Tổ công tác 1457 của tỉnh chỉ đạo tháo gỡ.
Đại tá Lê Quang Tuấn, Trưởng phòng Hậu cần, Công an tỉnh, thông tin: Đơn vị đã tập trung cao cho công tác chuẩn bị, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Cùng các đơn vị tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát thường xuyên đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ các dự án, giải ngân vốn đầu tư. Yêu cầu các nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc để thi công đảm bảo tiến độ.
Toàn tỉnh hiện có 193/197 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã được quy hoạch, bố trí quỹ đất. (Đến năm 2025, có 4 xã thực hiện phương án sắp xếp, điều chỉnh sát nhập với các đơn vị hành chính cấp xã đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhất trí, sẽ không đầu tư xây dựng). Hiện nay Công an tỉnh đang triển khai thực hiện xây dựng mới 126 trụ sở công an xã, thị trấn đã được cấp thẩm quyền phê duyệt với tổng kinh phí trên 450 tỷ đồng (trong đó UBND tỉnh cấp hơn 373 tỷ đồng; còn Bộ Công an cấp hơn 76 tỷ đồng). Đã thực hiện cải tạo, sửa chữa 33 trụ sở làm việc tiếp nhận lại của các đơn vị, kịp thời đáp ứng yêu cầu về nơi ăn ở cho CBCS toàn lực lượng công an xã, thị trấn trong năm 2023; 4 xã đã được UBND các huyện Sông Mã, Phù Yên, Thành phố triển khai thực hiện đầu tư.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn
Đến nay, toàn tỉnh đã có 74 trụ sở làm việc công an xã, thị trấn độc lập đã bàn giao đưa vào sử dụng ổn định, đảm bảo phục vụ nhiệm vụ công tác. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một xã chưa triển khai xong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thủ tục thu hồi đất và chưa có quyết định điều chuyển tài sản chính thức của Bộ Tài chính, ảnh hưởng tới tiến độ thi công dự án.
Đại tá Lê Quang Tuấn, Trưởng phòng Hậu Cần, chia sẻ: Đơn vị tiếp tục tham mưu với Tổ công tác 1457 của tỉnh; phối hợp với UBND các huyện, thành phố nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác điều chuyển tài sản công và quy hoạch, bố trí, bàn giao cấp đất, đền bù giải phóng mặt bằng để thúc đẩy triển khai nhanh dự án. Phối hợp với Sở Xây dựng điều chỉnh hồ sơ dự án, điều chỉnh thiết kế trình cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh đối với các xã còn bất cập để Công an tỉnh có cơ sở sớm triển khai thực hiện.
Chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đồng chí Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác 1457 của UBND tỉnh đã làm việc với Công an tỉnh Sơn La về tiến độ bàn giao trụ sở, bố trí đất để thực hiện xây dựng trụ sở công an xã, thị trấn. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan phân bổ nguồn lực, cân đối, bố trí ngân sách hằng năm và có lộ trình phù hợp; triển khai các giải pháp tăng thu, tiết kiệm chi để giải quyết dứt điểm việc xây dựng trụ sở công an ở các xã biên giới. Đối với các xã nội địa, xem xét ứng vốn đầu tư công trung hạn và cân đối ngân sách để sớm tổ chức thực hiện; phân bổ kinh phí cho các xã và các huyện bố trí kinh phí hỗ trợ một cách cụ thể. Các đơn vị liên quan nêu cao trách nhiệm, đảm bảo thủ tục hồ sơ theo quy định; tăng cường quản lý, giám sát, đôn đốc bảo đảm tiến độ, chất lượng các công trình, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, tránh lãng phí.
Sự quan tâm, ưu tiên, tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trụ sở làm việc sẽ đảm bảo điều kiện sinh hoạt, làm việc đối với lực lượng công an xã, đáp ứng hiệu quả công tác bảo đảm ANTT ngay từ cơ sở, góp phần ổn định xã hội, phục vụ phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!