Hiện nay, nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh sử dụng khí gas để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Song, do chủ quan và thiếu hiểu biết của một số người, tình trạng cháy, nổ gas vẫn xảy ra, gây thiệt hại về tính mạng và tài sản.
Tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng an toàn gas tại gia đình.
Mặc dù sự việc xảy ra đã 9 tháng, nhưng nhiều người dân vẫn chưa hết kinh hoàng bởi vụ nổ khí gas xảy ra ngày 8/3/2021 tại một gia đình ở đường Lê Đức Thọ, tổ 11, phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La, đã khiến chị N.T.H.N, chủ hộ bị bỏng nặng, ngôi nhà 2 tầng cùng nhiều đồ đạc bị hư hỏng nghiêm trọng. Nguyên nhân được cơ quan Công an xác định, do rò rỉ khí gas trong môi trường kín gặp nguồn nhiệt dẫn đến cháy, nổ.
Em Nguyễn Kim Dung, người nhà chị N.T.H.N, nhớ lại: 4 giờ 30 sáng ngày hôm đó, cô N. dậy sớm xuống tầng pha trà, ngửi thấy mùi gas, thay vì mở hết cửa sổ ra để khí gas thoát ra ngoài, cô lại bật thử bếp gas và vụ nổ xảy ra ngay sau đó. Vụ nổ này không chỉ gây ám ảnh cho cô N. mà cả nhà em, giờ vẫn chưa hết bàng hoàng.
Cùng cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh) kiểm tra một số hộ dân trên địa bàn Thành phố về các biện pháp an toàn trong bảo quản, sử dụng gas. Bà Bùi Thị Nguyệt, tổ 8, phường Quyết Thắng, chia sẻ: Bao lâu nay, tôi sử dụng bếp gas nấu ăn nhưng chỉ biết bật, tắt bếp gas và số điện thoại để gọi đơn vị cung cấp gas. Gia đình tôi không khóa van khi không dùng, chỉ khi thợ lắp đặt gas đề nghị thay mới phụ kiện thì tôi mới biết, còn nếu xảy ra sự cố rò rỉ gas, thì tôi không biết xử lý thế nào?
Còn ông Trần Văn Khanh, tổ 7, phường Chiềng Lề, cho biết: Gia đình tôi đang sử dụng bếp gas có chế độ ngắt gas tự động khi lửa tắt, mỗi khi hết gas, thợ lắp đặt cũng thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn gia đình thay dây gas, van gas để đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, khi được hỏi về cách xử lý khi bị rò rỉ gas, vợ chồng ông Khanh đều nói, sẽ gọi lực lượng chức năng đến cứu giúp. Trước đó, gia đình có lắp thiết bị báo rò rỉ khí gas nhưng thấy không hiệu quả, còn khi xảy ra rò rỉ ga cần phải xử trí thế nào thì cả 2 ông bà đều không nắm rõ, thậm chí, khi mở tủ chứa bình gas vẫn có mùi gas nồng nặc.
Nhiều hộ dân trên địa bàn Thành phố khi được kiểm tra đều chung tình trạng như ông Khanh, bà Nguyệt, có tâm lý chủ quan và thiếu kiến thức an toàn gas, hoặc nếu có biết thì chưa nắm được đầy đủ các biện pháp an toàn khi xảy ra sự cố rò rỉ gas.
Đại tá Nguyễn Khắc Ngọc, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh), cho biết: Đảm bảo an toàn PCCC nhằm kiềm chế số vụ cháy, nổ khí gas, lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH đã tăng cường thông tin, tuyên truyền đến nhân dân về cách thức sử dụng gas an toàn, kỹ năng xử lý khi phát hiện rò rỉ khí gas; hướng dẫn, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn PCCC đối với các cơ sở kinh doanh gas, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm...
Ý thức chủ quan, lơ là của người dân trong việc bảo quản, sử dụng gas cũng như không tuân thủ nguyên tắc quy trình an toàn PCCC sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Ngoài sự vào cuộc của lực lượng chức năng, thiết nghĩ, mỗi chúng ta cần phải tự nâng cao ý thức, nhận thức, tuân thủ và chấp hành nghiêm các quy định về an toàn PCCC trong sử dụng gas, không để xảy ra cháy nổ, gây thiệt hại về tài sản và tính mạng của bản thân, gia đình và những người xung quanh.
*Theo khuyến cáo của phòng Cảnh sát PCCC&CNCH: Người dân cần thường xuyên tự kiểm tra bếp gas, bình gas tại nhà. Người dân cần yêu cầu nhân viên kiểm tra độ kín của các khớp nối giữa đường ống dẫn gas với bếp, van và bình gas ngay sau khi lắp mới, thay bình gas. Đặc biệt, cần khóa van bình gas ngay sau khi sử dụng đề phòng rò rỉ khí gas gây nguy hiểm. Để bình gas ở nơi thoáng khí, đảm bảo an toàn khi sử dụng. *Khi ngửi thấy mùi khí gas trong nhà, không được sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt hoặc các dụng cụ làm phát sinh tia lửa, tia nhiệt. Khóa van bình gas lại; mở hết các cửa ra cho khí gas bay ra ngoài, đồng thời ra khỏi nhà và thông báo cho lực lượng cảnh sát PCCC theo số điện thoại 114 hoặc qua app báo cháy 114. |
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!