Tập trung nguồn vốn cho vay nông nghiệp, nông thôn

LTS: Những năm qua, Agribank Sơn La đã cung cấp nhiều dịch vụ tài chính phục vụ tốt nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai nhiệm vụ, Agribank Sơn La gặp một số khó khăn cần được các cấp, các ngành và cơ quan chức năng tháo gỡ. Phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Bằng, Phó Giám đốc Agribank Sơn La về vấn đề này. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

 

Phiên giao dịch tại Agribank Sơn La. 

Ảnh: Đình Thành

P.V: Xin ông cho biết vai trò của Agribank Sơn La trong việc cho vay nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là cho vay theo Nghị định 55 của Chính phủ?

Ông Phạm Văn Bằng: Những năm qua, Agribank Sơn La luôn giữ vai trò quan trọng đối với việc đầu tư tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn và chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 30/9/2018, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của Agribank Sơn La đạt 12.387 tỷ đồng, chiếm 91% tổng dư nợ. Trong đó, cho vay theo Nghị định 55 của Chính phủ đạt 7.760 tỷ đồng với 37.925 khách hàng còn dư nợ, chiếm 45% tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn về cho vay theo Nghị định 55 của Chính phủ. Qua đó, đã giúp các huyện, thành phố và các cơ sở hình thành những mô hình mẫu trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp...

P.V: Những khó khăn về cho vay nông nghiệp, nông thôn hiện nay, thưa ông?

Ông Phạm Văn Bằng: Với đặc thù là tỉnh miền núi, điều kiện không thuận lợi cho việc đầu tư tín dụng như: Địa bàn rộng, cơ sở hạ tầng và giao thông còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, thiên tai, lũ lụt, hạn hán, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi thường xuyên xảy ra. Cùng với đó là nguồn vốn huy động của Agribank Sơn La ít hơn so với nhu cầu vay của các khách hàng trên địa bàn nói chung và khu vực nông nghiệp, nông thôn nói riêng; vốn huy động của Agribank Sơn La phần lớn là nguồn vốn ngắn hạn, nhưng nhu cầu vay vốn, các đối tượng vay ở nông nghiệp, nông dân, nông thôn phần lớn là trung hạn và dài hạn; việc đầu tư cho vay trong nông nghiệp, nông thôn, nông dân thường gặp những rủi ro bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh... dẫn đến dễ rủi ro trong đầu tư tín dụng.

P.V: Xin ông cho biết giải pháp của Agribank Sơn La thời gian tới?

Ông Phạm Văn Bằng: Thời gian tới Agribank Sơn La sẽ tập trung phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ để tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực cho vay nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục triển khai hiệu quả các điểm giao dịch tại xã, cụm xã, cho vay qua tổ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được vay vốn, trả nợ và sử dụng dịch vụ ngân hàng. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về quy trình, nghiệp vụ liên quan đến tín dụng cho các cấp hội cơ sở, giúp các cấp hội làm tốt hơn công tác tuyên truyền, thành lập các tổ vay vốn; tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của khách hàng.

P.V: Để việc cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt hiệu quả hơn nữa, Agribank Sơn La có những đề xuất, kiến nghị gì với các cơ quan chức năng?

Ông Phạm Văn Bằng: Agribank Sơn La đề nghị với Quốc hội, Chính phủ có chính sách hỗ trợ ổn định giá cho sản phẩm nông nghiệp như: Ngô, sắn... và trợ giá cho các mặt hàng hoa quả gồm: Nhãn, xoài, thanh long...; có chính sách hỗ trợ xử lý rủi ro về thiên tai, dịch bệnh trên diện hẹp. Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với Agribank Sơn La triển khai hiệu quả việc thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ và Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ. Đề nghị Sở TN&MT chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu, cấp lại quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại các huyện, thành phố để Agribank Sơn La có cơ sở thẩm định cho vay vốn. Đề nghị các sở, ban, ngành có liên quan và chính quyền các cấp quan tâm phối hợp trong việc xử lý thu hồi nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Đình Thành (Thực hiện)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới