Yên Châu xây dựng nhiều mô hình “Dân vận khéo”

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” luôn được các cấp ủy, chính quyền huyện Yên Châu triển khai với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng và xuất hiện nhiều mô hình trên các lĩnh vực, trong cộng đồng dân cư.

Mô hình trồng lê Tai nung tại xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu.

Đồng chí Thào Thị Mai Anh, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Yên Châu, cho biết: Các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ. Vận động nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Triển khai thực hiện, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã đăng ký xây dựng mô hình “Dân vận khéo” phù hợp với nhiệm vụ và gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với các phong trào thi đua trên tất cả các lĩnh vực; giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc trong nhân dân; giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội từ cơ sở. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng và duy trì 119 mô hình “Dân vận khéo” các cấp; trong đó, có  44 mô hình về lĩnh vực kinh tế; 43 mô hình văn hóa, xã hội; 15 mô hình về quốc phòng, an ninh và 17 mô hình về xây dựng hệ thống chính trị.

Tại xã Chiềng Pằn, hưởng ứng phong trào thi đua “Dân vận khéo”, cấp ủy, chính quyền xã đã khuyến khích, vận động nhân dân phát triển chăn nuôi bò, nuôi lợn quy mô trang trại, với hàng trăm con, mang lại thu cao ổn định. Điển hình như mô hình nuôi 120 con bò nhốt chuồng gắn với trồng cỏ của gia đình anh Bùi Trung Thủy, bản Ngùa, mỗi năm cho thu lãi trên 600 triệu đồng. Mô hình nuôi từ 200-300 con lợn của các gia đình ông Hà Văn Ngân, Hà Văn Tuấn, Bùi Văn Hưng, bản Hồng Phiêng, thu nhập từ 500 triệu đồng/năm trở lên.

Anh Hà Văn Ngân, bản Hồng Phiêng, cho biết: Năm 2015, gia đình đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi 20 con lợn nái và 200 con lợn thịt/lứa, mỗi năm xuất bán từ 600-700 con lợn thịt, sau khi trừ chi phí cho thu lãi 500-600 triệu đồng/năm. Để đảm bảo môi trường, gia đình xây dựng 3 hầm biogas để xử lý chất thải và lấy khí gas đun nấu. Ngoài ra, tôi còn hỗ trợ 8 hộ trong bản về con giống, thức ăn, kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh cho đàn lợn để phát triển mô hình nuôi lợn với quy mô từ 50 con trở lên.

Còn tại xã Phiêng Khoài, cấp ủy, chính quyền xã đã lựa chọn xây dựng mô hình “Dân vận khéo” về tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng hữu cơ và đưa những giống cây trồng mới, năng suất, giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Điển hình là các mô hình, cải tạo vườn mận hậu, áp dụng kỹ thuật trong chiết, ghép, sử dụng quy trình chăm sóc mận theo tiêu chuẩn VietGAP, theo hướng hữu cơ; mô hình trồng lê Tai nung, mạng lại thu nhập cao cho nhân dân. Hiện nay, xã có 1.325 ha mận, trong đó hơn 1.200 ha cho thu hoạch, sản lượng mỗi năm đạt trên 13.000 tấn quả; trồng trên 60 ha lê Tai nung, sản lượng trên 210 tấn quả/năm.

Bà Đinh Thị Mây, bản Cồn Huốt 1, xã Phiêng Khoài, chia sẻ: Năm 2014, gia đình đưa cây lê Tai nung vào trồng; hiện nay, gia đình có 6 ha lê, thu hoạch khoảng 30 tấn quả/năm, giá bán bình quân 40.000 đồng/kg, thu nhập trên 1 tỷ đồng. Để quả lê đạt năng suất, chất lượng, mẫu mã đẹp, chúng tôi chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, chủ yếu bón phân hữu cơ, phân chuồng.

Đẩy mạnh việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, huyện Yên Châu lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục nhân rộng các điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực, tạo sự đồng thuận của nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Bài, ảnh: Quàng Hưởng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới