Vững tin tiếp bước trên con đường đổi mới

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, đất nước ta đang diễn ra. Đại hội lần này, Đảng ta tập trung thực hiện, quyết định nhiều vấn đề quan trọng liên quan vận mệnh của đất nước. Với niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, thành công của 30 năm đổi mới, hơn 73 nghìn đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh đã tập trung trí tuệ, đoàn kết lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh vững tin, tiếp bước cùng cả nước tiếp tục hành trình đổi mới, phấn đấu cho mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Bà con xã Phổng Lái (Thuận Châu) chuyển đổi cây trồng trên đất dốc cho thu nhập ổn định.

 

30 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đất nước ta dành được nhiều thành tựu quan trọng: hệ thống chính trị ngày càng lớn mạnh; tốc độ tăng trưởng kinh tế ngày càng tăng cao, cơ sở hạ tầng phát triển, đời sống của nhân dân được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần, văn hóa xã hội phát triển, quốc phòng, an ninh được giữ vững, uy tín của nước ta trên trường quốc tế được mở rộng và ngày càng gặt hái nhiều thành công... Nằm trong dòng chảy đó, 30 năm qua, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã có những bước phát triển quan trọng: Từ nền kinh tế tự cung, tự cấp, nghèo nàn, lạc hậu, cơ sở hạ tầng thấp kém, nhất là hệ thống giao thông; trình độ dân trí thấp, lạc hậu, tình trạng mù chữ cao... và là một trong những tỉnh đặc biệt khó khăn của cả nước, tỉnh ta đã trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc.

Bước vào thực hiện công cuộc đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đề ra, tỉnh ta gặp không ít khó khăn, nhất là xác định hướng phát triển kinh tế thị trường... Được sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, sự đùm bọc, sẻ chia của các tỉnh trong cả nước; đặc biệt, là sự đoàn kết của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Sơn La đã vững tâm vào con đường đổi mới của Đảng, từng bước tìm hướng đi phù hợp với một tỉnh miền núi nghèo, đặc biệt khó khăn. Trước hết, Đảng bộ tỉnh xác định và hình thành ba vùng kinh tế: vùng kinh tế động lực trục quốc lộ 6, vùng dọc sông Đà và vùng cao, biên giới; các huyện, thị xã (nay là Thành phố) lựa chọn bước đi thích hợp trên cơ sở đổi mới tư duy, đổi mới phong cách lãnh đạo, bắt nhịp với cung cách làm ăn mới, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển, áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất; từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả. Đối với công nghiệp, dịch vụ hình thành các công ty, các doanh nghiệp vừa và nhỏ; áp dụng khoán sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển; khuyến khích các nhà thầu, doanh nghiệp ứng vốn đầu tư phát triển cơ cở hạ tầng; mở rộng mạng lưới giao thông vận tải với các hình thức liên doanh, liên kết...

Bám sát và vận dụng sáng tạo các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương vào hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương, hình thành các vùng kinh tế mạnh so với một số tỉnh trong khu vực miền núi phía Bắc như: vùng cây công nghiệp công nghệ cao Mộc Châu, vùng cây công nghiệp có giá trị kinh tế lớn như: chè, cà phê, mía ở Mộc Châu, Mai Sơn, Thuận Châu; vùng cây ăn quả Sông Mã, Yên Châu, Bắc Yên; vùng lúa đặc sản Phù Yên,  Sông Mã; đặc biệt là 5 năm trở lại đây, tỉnh ta đã hình thành rõ nét các vùng kinh tế trọng điểm Mộc Châu, Vân Hồ nơi hội tụ của chè thơm, sữa ngọt nổi danh trong nước và quốc tế, là địa chỉ của cây công nghiệp công nghệ cao, là trung tâm du lịch quốc gia vùng Tây Bắc. Mai Sơn vùng cây công nghiệp mía, cà phê và là vựa ngô vùng Tây Bắc. Thành phố Sơn La, Thành phố trẻ đang trên đà phát triển. Mường La, với hơn 10 nhà máy thủy điện có công suất từ 35 MW trở lên, nổi bật là nhà máy thủy điện Sơn La với công suất 2.400 MW, điện năng trung bình năm 10.246 tỷ KWh, tầm cỡ khu vực Đông Nam Á. Bên dòng sông Đà, lòng hồ thủy điện Sơn La là Mường La, Quỳnh Nhai với nghề nuôi cá tầm - sản phẩm có giá trị kinh tế cao đã và đang trên đà phát triển. Sánh vai với đặc sản các vùng miền trong tỉnh là nhãn lồng Sông Mã, chuối ngọt, soài thơm Yên Châu...

Trước sự phát triển của nông, lâm, ngư nghiệp, hàng nghìn doanh nghiệp từng bước vượt qua khó khăn tạo ra sự bứt phá và thực sự là bà đỡ của nông dân như: hệ thống các ngân hàng thương mại, Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu, Công ty Chè Mộc Châu, Công ty CP Chiềng Sung (Mai Sơn), Công ty CP Cơ khí Sơn La, Công ty CP Hoa Nhiệt Đới Mộc Châu... có doanh thu mỗi năm hàng trăm tỷ đồng, chính từ sự phát triển của các thành phần kinh tế mà nguồn thu ngân sách địa phương tăng nhanh, đến năm 2015, toàn tỉnh đạt tổng nguồn thu trên 3.300 tỷ đồng. Các chương trình mục tiêu Quốc gia hằng năm đầu tư vào tỉnh ta hàng nghìn tỷ đồng hỗ trợ, giúp đỡ nông dân xóa đói giảm nghèo, phát triển sản xuất bền vững. Đến nay, nhiều địa phương không còn nhà tạm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn trên 20%, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện nhất là hệ thống giao thông phát triển mạnh mẽ tạo ra một mạng lưới dầy đặc từ vùng nông thôn đến thành thị, phong trào xây dựng nông thôn mới đã và trở thành động lực thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển ở khu vực nông thôn, từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, hệ thống chính trị không ngừng được củng cố và ngày càng lớn mạnh. Các cấp ủy Đảng là lực lượng nòng cốt có vai trò quyết định trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh; vận dụng sáng tạo các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, từ đổi mới tư duy đến đổi mới phương pháp lãnh đạo, vận hành toàn bộ hệ thống chính trị thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng. Đồng thời, phát huy trí tuệ của trên 73 nghìn đảng viên ở các tổ chức cơ sở đảng tập trung xây dựng, củng cố chính quyền và hệ thống chính trị; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết, phát huy truyền thống cách mạng thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng và gặt hái được nhiều thành công; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh vững chắc, đưa tỉnh ta ra khỏi tỉnh đặc biệt khó khăn.

Với mục tiêu “Tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; sớm xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc” mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra; trên cơ sở vận dụng sáng tạo các Nghị quyết của Đảng cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh vững tin, tiếp bước trên con đường đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, sớm đưa Sơn La trở thành một tỉnh phát triển khá trong khu vực.


Nguyễn Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới