Khép lại giai đoạn 5 năm đầu (2010-2015) triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, một trong những bài học kinh nghiệm chỉ ra là cần cân đối nguồn lực, ưu tiên trọng tâm, trọng điểm đối với từng vùng, miền khác nhau trên phạm vi cả nước; tránh đầu tư dàn trải, lãng phí.
Theo TS Tăng Minh Lộc - Cục trưởng, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG xây dựng NTM, về cơ bản, các tiêu chí xây dựng NTM đã đáp ứng đúng, đủ yêu cầu với thực tế triển khai, tuy nhiên, sẽ xem xét ưu tiên các tiêu chí trên cơ sở đặc điểm kinh tế - xã hội của từng vùng, miền. Không thể dàn trải đều cả 19 tiêu chí đối với tất cả các khu vực, miền núi và nông thôn, nhất là với các khu vực khó khăn phải khác với đồng bằng, thành thị. Văn phòng Ban chỉ đạo cũng đang tham mưu theo hướng phân phối lại đầu tư triển khai các tiêu chí NTM ở khu vực miền núi, vùng khó khăn theo hướng ưu tiên và trọng điểm để quá trình xây dựng NTM đạt được hiệu quả thiết thực.
Tránh tâm lý “cào bằng”
Thực tế, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM), Chính phủ luôn quan tâm đến các tỉnh còn nhiều khó khăn.
Do điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội có nhiều đặc thù, xuất phát điểm thấp, các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc và một số địa bàn thuộc các tỉnh Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long là những khu vực gặp nhiều khó khăn trong xây dựng NTM.
Tuy đã được ưu tiên, nhưng do yêu cầu đầu tư cho các xã, nhất là các xã ở vùng khó khăn rất lớn, trong khi khả năng chi của ngân sách nhà nước có hạn (5.000 tỷ đồng/năm cho hơn 9.000 xã trong cả nước, bình quân mỗi xã chỉ khoảng 500 triệu đồng/năm), trong quá trình triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 276/QĐ-TTg, ngày 03/3/2015. Theo đó, Thủ tướng giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng cơ chế đặc thù cho các vùng khó khăn, nhất là các xã thuộc miền núi phía Bắc, biên giới, đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, bãi ngang ven biển và hải đảo; đồng thời, giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành tiếp tục huy động các nguồn vốn để bổ sung cho Chương trình MTQG xây dựng NTM; đảm bảo nguyên tắc tập trung cho các vùng khó khăn. Trong giai đoạn 2016-2020, rà soát tăng thêm nguồn lực phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước; đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng nguồn vốn để nâng cao hiệu quả; phân bổ ưu tiên cho các xã thuộc vùng khó khăn và khẩn trương hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư cho các địa phương khó khăn.
Theo TS Tăng Minh Lộc, nếu cứ áp chung cho chương trình NTM trên toàn quốc, nông thôn miền núi sẽ chẳng thể đuổi kịp nông thôn đồng bằng.
Thực tế, triển khai xây dựng NTM qua 5 năm đầu cho thấy, nhiều tiêu chí xây dựng NTM chưa phù hợp với phong tục tập quán miền núi, vùng DTTS. Ngân sách đầu tư xây dựng NTM miền núi, vùng DTTS thiếu những cơ chế đặc thù nên chưa tạo được động lực mạnh mẽ. Hàng loạt các tiêu chí như: Thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, bưu điện, nhà ở dân cư, kênh mương nội đồng, xây dựng nhà văn hóa, trạm xá… khá chậm do thiếu vốn đầu tư và khó đạt chuẩn theo tiêu chí quốc gia. Tương tự, tiêu chí chợ nông thôn ở các xã miền núi chưa phù hợp, vì có xã gần trung tâm huyện, nếu xây dựng chợ sẽ không phát huy được hiệu quả như mong đợi, gây lãng phí. Trong khi đó, không xây chợ thì không đủ tiêu chí. Đối với giáo dục theo quy định, phải đủ 8 lớp mới đạt chuẩn quốc gia, nếu như vậy thì những trường học ở một số xã vùng sâu, vùng xa khó có thể đạt được do con em ở xa, nên các trường phải chia tách thành nhiều điểm trường. Hay tiêu chí dồn điền đổi thửa để đạt đúng yêu cầu thì khó như "lên trời"… vì đất ruộng ở khu vực miền núi không bằng phẳng, đồi núi chia cắt khó mà có thể áp dụng được mô hình sản xuất hiện đại. Trong khi đó, tiêu chí nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gần như "giẫm chân tại chỗ", vì đa số cán bộ phụ trách kiêm nhiệm nên khó giúp người dân trong việc hiện đại hóa nền nông nghiệp...
Ưu tiên hạ tầng giao thông, điện, đường trước rồi mới tính các tiêu chí khác
Không ngừng chăm lo, tăng cường hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng sống cho người dân miền núi, đặc biệt DTTS
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, TS Tăng Minh Lộc cho rằng, ở các khu vực miền núi, vùng khó khăn, phải ưu tiên trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Theo đó, phải hoàn thiện trước hết về điện, đường, sau đó mới tính đến thu hút các doanh nghiệp đầu tư, triển khai các mô hình sản xuất tiên tiến, hiệu quả; nâng cao đời sống của người dân cùng các tiêu chí khác.
Nói về giải pháp giúp vùng khó khăn bứt phá từ xây dựng NTM, nhiều ý kiến đề nghị nên có cơ chế, chính sách đặc thù riêng về ngân sách cho miền núi, vùng dân tộc thiểu số (DTTS). Cụ thể, trong việc phân bổ ngân sách Trung ương hàng năm cho Chương trình cần xác định lại mức phân bổ vốn đầu tư, hỗ trợ hàng năm theo vùng miền, hoặc theo địa bàn từng tỉnh, trên cơ sở điều kiện đặc thù miền núi cao, tỷ lệ đồng bào DTTS; không nên phân bổ mang tính bình quân như hiện nay.
Thực tiễn sau 5 năm xây dựng NTM cho thấy, đã đến lúc cần rà soát hệ thống chính sách liên quan để sửa đổi những điểm chồng chéo, chưa phù hợp; bổ sung, hoàn thiện, ban hành chính sách mới, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng NTM trong giai đoạn tới. Mục tiêu then chốt của xây dựng NTM là nhằm rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, xây dựng bộ mặt nông thôn hiện đại, đem lại lợi ích thiết thực cho người nông dân./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!