Sáng nay (28/6), tại Đà Nẵng, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác Mặt trận tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì Hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 tổ chức vào thời điểm có ý nghĩa khi Đại hội Đảng lần thứ XII vừa diễn ra thành công tốt đẹp. Cùng với Hội đồng bầu cử quốc gia, Uỷ ban bầu cử các tỉnh thành phố, MTTQ Việt Nam đã đóng góp xứng đáng vào thành công của cuộc bầu cử với tỷ lệ cử tri đi bầu đạt hơn 99% thể hiện ý thức chính trị, trách nhiệm cao của công dân trong việc lựa chọn những người xứng đáng tham gia Quốc hội và các cơ quan dân cử ở địa phương.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo Hội nghị
"Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá việc MTTQ Việt Nam các cấp đã thực hiện nhiệm vụ của mình trong quá trình bầu cử vừa qua như thế nào theo quy định của Luật Bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND và các quy định của luật pháp liên quan. Trong đó, làm rõ việc MTTQ các cấp triển khai 6 nhiệm vụ là tham gia xây dựng các văn bản tổ chức quá trình bầu cử theo quy định của luật pháp; tham gia công tác thông tin truyền thông cho quá trình bầu cử; tổ chức các vòng hiệp thương để lựa chọn những người để giới thiệu bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp; tổ chức tiếp xúc vận động bầu cử cho các ứng cử viên; tiếp nhận tham gia xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo; giám sát quá trình bầu cử ở các giai đoạn. Đồng thời là dịp để MTTQ Việt Nam các cấp chỉ ra những hạn chế trong quá trình tổ chức bầu cử, từ đó rút ra những bài học cần thiết làm cơ sở để báo cáo Quốc hội xem xét chuẩn bị cho công tác bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các khóa tiếp theo”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị.
Báo cáo kết quả công tác Mặt trận tham gia bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nêu rõ, thực hiện quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam theo quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã phối hợp với các tổ chức phụ trách bầu cử, chính quyền và các tổ chức thành viên triển khai đồng bộ công tác bầu cử trên phạm vi cả nước. Ý thức được quá trình tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp và tham gia giám sát cuộc bầu cử là nhiệm vụ rất quan trọng. Do đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong công tác bầu cử, từ khâu phối hợp xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn đến các khâu tổ chức thực hiện; thường xuyên giám sát để kịp thời khắc phục những sai sót trong quá trình triển khai thực hiện.
Việc tổ chức các Hội nghị hiệp thương đã đáp ứng được yêu cầu dân chủ, công khai, minh bạch, những người được lựa chọn lập danh sách đều đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Cùng với đó, việc tổ chức các hội nghị cử tri nơi cư trú để nhận xét, tín nhiệm đối với người ứng cử có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam và Ủy ban nhân dân cùng cấp, phát huy được tinh thần tự giác, ý thức chủ động, xây dựng của đông đảo cử tri, từ đó có những nhận xét, đánh giá khách quan về tiêu chuẩn, đạo đức, tư cách của những người ứng cử.
Đối với công tác xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo về bầu cử, việc tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo về bầu cử được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp quan tâm và tiến hành nghiêm túc, bảo đảm những người được lựa chọn, giới thiệu ứng cử đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng theo luật định. Tính đến ngày 12/5/2016, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nhận tổng số 158 đơn (trong đó có 51 đơn thư công dân gửi trực tiếp, 107 đơn thư công dân gửi qua bưu điện). Đơn thư của công dân tập trung ở 20 tỉnh, thành phố với khoảng 2/3 đơn tố cáo, còn lại là đơn khiếu nại, kiến nghị, phản ánh.
Bên cạnh kết quả đạt được, ông Trần Thanh Mẫn cho biết, qua tổng kết cuộc bầu cử, thực tiễn cũng phát sinh một số vấn đề cần sớm được đánh giá, nghiên cứu, xem xét để hoàn thiện các văn bản pháp luật về bầu cử. Cụ thể việc ban hành các văn bản hướng dẫn về bầu cử phải đồng bộ, hệ thống các mẫu biểu cần khoa học, hợp lý, dễ hiểu và thống nhất để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổng hợp kết quả bầu cử. Công tác triển khai, tập huấn bầu cử cũng phải tổ chức sớm để địa phương có thời gian, điều kiện chuẩn bị chu đáo và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh nếu có. Việc sắp xếp những người ứng cử là các chức sắc tôn giáo, người tiêu biểu trong các dân tộc, các nhân sĩ, trí thức trong cùng một đơn vị bầu cử với các cơ cấu thành phần khác đã bộc lộ nhiều bất cập, cần thiết phải có những quy định mới để đảm bảo có một tỷ lệ nhất định những người tiêu biểu trong các dân tộc, tôn giáo, trí thức trong Quốc hội.
Tại Hội nghị, đồng chí Trần Văn Túy, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Bầu cử Quốc gia đánh giá cao vai trò của MTTQ Việt Nam suốt quá trình diễn ra bầu cử. Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có sự phối hợp chủ động, đồng bộ trên nhiều nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, lãnh đạo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thường xuyên có sự trao đổi với lãnh đạo Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam về công tác nhân sự cũng như những vướng mắc nảy sinh trong quá trình chuẩn bị bầu cử. Có thể nói đây là một trong những nền tảng đóng góp vào sự thành công chung của cuộc bầu cử.
Bên cạnh đó, MTTQ các cấp đã thực hiện đúng vai trò tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân khi đưa ra được cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử công khai, minh bạch. “Qua quá trình giám sát bầu cử, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã đánh giá rất cao quá trình hiệp thương tại các địa phương trong đó có vai trò nòng cốt Mặt trận các cấp. Việc tổ chức tốt các Hội nghị hiệp thương đã đáp ứng được yêu cầu dân chủ, công khai, minh bạch, những người được lựa chọn lập danh sách đều đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của ĐBQH và đại biểu HĐND theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương”, đồng chí Túy nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã trao Bằng khen cho 189 tập thể và 63 cá nhân đã có đóng góp xuất sắc trong công tác bầu cử của Mặt trận./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!