Chiều 30/7, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương chủ trì Hội nghị.
Báo cáo tại Hội nghị cho biết: Qua 3 năm thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội nhận thức sâu sắc, quan tâm hơn đến việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam và công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, các bộ, ngành, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tỉnh ủy, thành ủy đã có các chủ trương, biện pháp công tác cụ thể để triển khai thực hiện. Công tác quản lý Nhà nước được tăng cường, hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo được ban hành kịp thời, tương đối đồng bộ, tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi để tổ chức thực hiện.
Công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân đã được toàn xã hội quan tâm, xuất hiện nhiều mô hình và cách làm hay, hiệu quả thiết thực. Cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân bước đầu đạt được kết quả đáng khích lệ. Quá trình thực hiện có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng, tổ chức Hội các cấp. Việc thực hiện chế độ, chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam bảo đảm đúng quy định của pháp luật; nhiều chế độ, chính sách được Hội đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi kịp thời. Hoạt động của tổ chức Hội các cấp có bước phát triển vượt bậc, phát huy được vai trò, trách nhiệm, thực sự là tổ chức đại diện cho lợi ích và quyền lợi của nạn nhân chất độc da cam, khẳng định vị thế và vai trò của Hội đối với xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng nêu rõ những hạn chế còn tồn tại trong quá trình thực hiện Chỉ thị. Đó là, một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, ban, ngành chức năng và một bộ phận cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đầy đủ về thảm họa và vấn đề cấp bách trong việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam và công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin, nên chưa quan tâm đúng mức trong việc quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện; sự phối hợp giữa các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể với Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam trong việc cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước bằng các chính sách, chế độ, quy định và hướng dẫn thực hiện ở các cấp chưa đồng bộ…
Để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 43-CT/TW trong thời gian tới, các đại biểu tham dự hội nghị cho rằng cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm tạo sự chuyển biến tích cực đồng bộ về nhận thức, trách nhiệm, hành động trong cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội, của mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với thảm họa chất độc hóa học và giải quyết hậu quả chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; chăm lo củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam các cấp; phấn đấu 100% các địa phương cấp huyện và cấp xã có đủ điều kiện thành lập Hội được thành lập Hội.
Cùng với đó, chính quyền các cấp tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam và thực hiện chế độ, chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam. Trong đó tập trung giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc và bất cập về chế độ, chính sách đối với người có công nói chung và nạn nhân chất độc da cam nói riêng, thực hiện tốt mục tiêu đến năm 2020, 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cấp, các ngành, MTTQ Việt Nam và cả hệ thống chính trị trong công tác chăm lo, thực hiện chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam.
Mặt khác, tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học trong và ngoài nước, các cá nhân người nước ngoài có thiện chí với Việt Nam, tạo thành sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam và trong việc vận động nguồn lực giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; kiên quyết, kiên trì vận động nhân dân, quốc hội và chính quyền Mỹ có cách nhìn nhận đúng đắn về hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Từ đó buộc họ phải có trách nhiệm bồi thường thỏa đáng cho nạn nhân chất độc da cam và những người trong vùng bị phơi nhiễm, xử lý dứt điểm về môi trường trong khu vực còn tồn đọng chất độc hóa học…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đã nêu một số tồn tại trong việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Đó là, sự hỗ trợ đối với các nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học vẫn còn thấp; hậu quả về môi trường và con người vẫn còn nặng nề; sự quan tâm đến việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học vẫn chưa được thường xuyên; nguồn lực huy động vẫn còn hạn chế...
Đồng chí Trương Thị Mai đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục vận động từ các nguồn lực trong nước và nước ngoài nhằm góp phần chăm sóc nạn nhân nhiễm chất độc hóa học; đồng thời chuẩn bị tích cực cho việc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư nhằm thúc đẩy việc thực hiện giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đạt hiệu quả cao hơn.
Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho biết: Thời gian tới, sẽ thành lập Ban chỉ đạo nhằm sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW, trong đó có cơ chế phối hợp để kiểm tra các cơ quan trong việc thực hiện Chỉ thị này.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!