Nhằm tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia hoạt động trong lĩnh vực chính trị, tỉnh ta luôn quan tâm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của phụ nữ trên mọi mặt công tác, đặc biệt là hoạt động chính trị.
Các tập thể có thành tích tổ chức các hoạt động trong nữ
CNVCLĐ giai đoạn 2012-2017 nhận Bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.
Qua 10 năm (2007-2017) thực hiện Luật Bình đẳng giới, tỉnh ta đã ban hành nhiều chính sách nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn cho các nữ ứng cử viên lần đầu ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021; cung cấp thêm nhiều kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ trong việc tham gia vận động tranh cử, góp phần tăng tỷ lệ nữ của tỉnh tham gia vào cơ quan dân cử; chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ban, ngành và các địa phương cử cán bộ, công chức nói chung và cán bộ công chức nữ nói riêng đi học tập, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; thực hiện tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ; tạo điều kiện thuận lợi nhất để chị em nâng cao trình độ, năng lực, đảm nhiệm tốt các vị trí lãnh đạo, quản lý trên các lĩnh vực công tác.
Theo thống kê, giai đoạn 2007-2010, toàn tỉnh có 1.038 đại biểu HĐND cấp xã là phụ nữ, 90 đại biểu HĐND cấp huyện, 19 đại biểu HĐND cấp tỉnh; cấp ủy Đảng cấp xã có 414 phụ nữ, 81 người tham gia cấp huyện và 10 người tham gia cấp tỉnh; đối với chức danh chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn có 35 người, cấp huyện có 8 người, 21 phụ nữ là lãnh đạo chủ chốt trong các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh. Đến giai đoạn 2016-2021, cấp xã phường đã có 1.760 phụ nữ tham gia đại biểu HĐND, 153 đại biểu HĐND cấp huyện, 28 đại biểu HĐND cấp tỉnh; cấp ủy Đảng cấp xã có tới 461 phụ nữ, cấp huyện có 87 đồng chí, cấp tỉnh có 12 đồng chí; đối với chức danh chủ tịch, phó chủ tịch UBND là phụ nữ thì cấp xã, phường, thị trấn có 60 người, 11 người là lãnh đạo chủ chốt tại UBND các huyện, thành phố, 39 người là lãnh đạo chủ chốt trong các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.
Qua 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, bước đầu mang lại một số kết quả khả quan. Tỷ lệ nữ giới tham gia đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, cấp tỉnh chiếm 38,89%, cấp huyện 34,77%, cấp xã là 31,87%. Đây được đánh giá là tỷ lệ ở mức khá cao so với một số tỉnh, thành trong cả nước, thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với việc thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị. Số lượng cán bộ nữ giữ chức vụ chủ chốt trong các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể đã nâng lên.
Tuy nhiên, so với tiềm năng của đội ngũ cán bộ nữ, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ nữ ở một số nơi còn chưa được chú trọng, tỷ lệ nữ trong các khóa đào tạo, bồi dưỡng chưa đảm bảo yêu cầu; tỷ lệ cán bộ nữ trong quy hoạch cả 3 cấp còn thấp. Một số ngành nghề đông lao động nữ và nhiều lĩnh vực liên quan đến hoạch định chính sách chưa có cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt. Đa số cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được bố trí chủ yếu là cấp phó. Trình độ cán bộ nữ một số cơ sở, nhất là vùng đặc thù chưa đáp ứng yêu cầu.
Để đạt mục tiêu Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, thể hiện rõ quyết tâm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý, đòi hỏi sự quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn nữa của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, góp phần từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!