Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TU ngày 13/5/2015 của Ban Thường vụ tỉnh uỷ về tăng cường lãnh đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Sơn La đến năm 2020, đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân cùng vào cuộc, chung sức xây dựng nông thôn mới và đã đạt được những kết quả quan trọng, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng cải thiện rõ rệt...
Diện mạo nông thôn mới trung tâm xã Tông Cọ (Thuận Châu).
Tỉnh ủy đã ban hành quyết định thành lập các Ban Chỉ đạo tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn. HĐND tỉnh đã ban hành 17 nghị quyết chuyên đề về nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết và chỉ đạo giao các sở, ngành chức năng triển khai các chương trình, đề án phát triển trên các lĩnh vực chuyên ngành, lồng ghép đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Ban Chỉ đạo nông thôn mới tỉnh, các sở, ngành được giao nhiệm vụ phụ trách các tiêu chí đã ban hành hơn 1.300 văn bản để chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đã phát động nhiều phong trào, cuộc vận động, chương trình, tổ chức các hội thi sôi nổi, thiết thực, điển hình là phong trào “Sơn La chung tay xây dựng nông thôn mới”, tạo sức lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân. Công tác tuyên truyền được đặc biệt quan tâm, tạo sự đồng thuận thống nhất cao. Cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc; các ngành, đoàn thể và đông đảo nhân dân các dân tộc trong tỉnh tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cụ thể của Nghị quyết: Công tác quy hoạch và đề án nông thôn mới; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo; phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, môi trường; củng cố nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị ở cơ sở; giữ vững quốc phòng, an ninh. Đến nay, toàn tỉnh đã huy động 69.779 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới (vốn trực tiếp từ Chương trình là 1.509 tỷ đồng; vốn lồng ghép, tín dụng, nhân dân đóng góp gần 68.270 tỷ đồng), tăng 42.320 tỷ đồng so với giai đoạn 2011-2015, vượt mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2016-2020 là 150%. Vai trò chủ thể của nông dân “dân biết, dân làm, dân làm, dân giám sát” ngày càng được phát huy. Nhất là thực hiện phong trào làm đường giao thông nông thôn được nhân dân đồng tình ủng hộ, hăng hái tham gia góp đất đai, tài sản, tiền của, công sức cùng Nhà nước xây dựng và giám sát các công trình. Toàn tỉnh đã triển khai thi công 5.424 tuyến đường với tổng chiều dài 1.225 km, giá trị xây lắp 1.454 tỷ đồng (nhân dân đóng góp trị giá 1.029 tỷ đồng).
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết, tốc độ tăng trưởng khu vực nông - lâm - thuỷ sản bình quân giai đoạn 2015-2017 đạt 3,21%/năm. Đến hết năm 2017, bình quân toàn tỉnh đạt 9,3 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới/xã, tăng 4,5 tiêu chí, tốc độ tăng 1,5 tiêu chí/năm, đạt và vượt chỉ tiêu đề ra; có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 58 xã đạt 10 tiêu chí trở lên, không còn xã khó khăn dưới 5 tiêu chí, giảm 55 xã so với năm 2015; trong 3 năm tiếp theo (2018-2020) bình quân toàn tỉnh có thể đạt 13,5 tiêu chí/xã (gần bằng mục tiêu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc là 13,8 tiêu chí/xã). Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn không ngừng được cải thiện và đổi thay rõ rệt; bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Số xã đạt các tiêu chí cơ bản đã đạt và vượt chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIV như: Tiêu chí quy hoạch đạt 100%; tiêu chí thủy lợi đạt 172 xã (91%); tiêu chí điện đạt 136 xã (72%); tiêu chí thông tin và truyền thông đạt 126 xã (67%); tiêu chí y tế đạt 101 xã (54%); tiêu chí lao động có việc làm đạt 188 xã (100%); tiêu chí quốc phòng, an ninh 155 xã (82%).
Phát huy kết quả đạt được, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các tiêu chí chưa đạt, đồng thời giữ vững các tiêu chí đã đạt được; tập trung thực hiện các tiêu chí cần ít tiền đầu tư; xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xây dựng nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái, quốc phòng và an ninh được giữ vững, trọng tâm là nâng cao thu nhập cho người dân.
Nguyễn Thị Duyên
(Trường Chính trị tỉnh)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!