Những năm qua, công tác tín dụng xã hội triển khai trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng vào mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo và chính sách an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của địa phương.
Gia đình bà Đinh Thị Ngắm, bản Nà Giàng, xã Quy Hướng (Mộc Châu)
vay vốn của Ngân hàng CSXH để phát triển chăn nuôi.
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Ban Thường vụ tỉnh ủy đã chỉ đạo quán triệt đến các cấp ủy đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội, các cơ quan, đơn vị. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh tham mưu cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện. Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ hộ nghèo và các đối tượng chính sách; quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện để nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ của Ngân hàng CSXH; chỉ đạo nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động của tổ chức đoàn thể, chính trị nhận ủy thác; nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của các điểm giao dịch tại xã, phường, các tổ tiết kiệm và vay vốn. Chỉ đạo các sở, ngành bố trí lồng ghép các nguồn vốn cùng với nguồn vốn tín dụng chính sách xã để thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội học tập; hỗ trợ người dân xây dựng các công trình sinh hoạt, nhà ở để cải thiện chất lượng cuộc sống...
Trong 5 năm (2014-2019), tỉnh ta đã huy động các nguồn vốn Trung ương và địa phương đạt tăng trưởng cao. Đến hết tháng 6/2019, tổng nguồn vốn Trung ương (Ngân hàng CSXH chuyển) đạt 4.316 tỷ 620 triệu đồng, chiếm 97,54% nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng CSXH Sơn La, tăng trưởng 2.085 tỷ 869 triệu đồng (tăng 93,42%) so với dư nợ năm 2014. Tổng nguồn vốn nhận ủy thác của địa phương đạt 108 tỷ 861 triệu đồng, chiếm 2,46% tổng nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng CSXH Sơn La, tăng 50 tỷ 272 triệu đồng so với năm 2014. Doanh số cho vay 5 năm (từ 2014 đến 30/6/2019) đạt 5.849 tỷ 419 triệu đồng, với trên 216 nghìn lượt khách hàng được vay vốn (trong đó có trên 92.000 lượt hộ nghèo). Trong tỉnh đã có nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo, tiêu biểu, như: Hộ ông Hà Văn Yến, Hội viên CCB bản Văng Lùng, xã Chiềng Hặc (Yên Châu), vay vốn năm 2017 với số tiền 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo để đầu tư trồng cây ăn quả (nhãn, xoài với diện tích 3 ha), hiện gia đình đã thoát nghèo, thu nhập bình quân từ 200-300 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động trong gia đình; hộ anh Giàng A Dạy, bản Rừng Thông, xã Mường Bon (Mai Sơn) vay vốn năm 2017, số tiền 50 triệu đồng chương trình cho vay giải quyết việc làm, gia đình anh đã đầu tư 1,5 ha trồng rau, củ quả sạch, cung cấp cho Hợp tác xã AMO, thu nhập bình quân đạt 150 triệu đồng/năm; hộ bà Phùng Thị Tứ, bản Quyết Thắng, xã Nà Nghịu (Sông Mã), năm 2016 được vay 30 triệu đồng vốn chương trình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn để đầu tư vào 3 ha nhãn, thu nhập 200 triệu đồng/năm;...
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị cần tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị; đảm bảo yêu cầu, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và đề cao trách nhiệm của các cấp, ngành trong thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội trung hạn và hàng năm. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị nhận ủy thác nguồn vốn tín dụng CSXH tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng vốn vay đảm bảo vốn được cho vay đúng đối tượng, đúng chính sách, nguồn vốn được sử dụng có hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Ngân hàng CSXH tỉnh cần phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế còn tồn tại, bổ sung các giải pháp huy động nguồn vốn để triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách; duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm giao dịch xã; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời cho các hộ nghèo tìm hiểu thông tin cũng như thực hiện các quy trình, thủ tục vay vốn, trả nợ, trả lãi tiền vay. Các huyện ủy, thành ủy tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội; nhân diện các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, khen thưởng kịp thời các nhân tố tích cực...
Giảm nghèo bền vững là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, tin tưởng việc triển khai nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội và các nguồn lực khác trong tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực; nhiều hộ nghèo và đối tượng chính sách trong tỉnh được hỗ trợ vay vốn ưu đãi để tạo việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường, sửa chữa nhà ở... góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, cải thiện điều kiện sinh hoạt, không ngừng nâng cao đời sống của các hộ nghèo trong tỉnh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!