Những năm qua, công tác dân tộc của tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung thực hiện tốt các chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sự chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn tỉnh.
Cán bộ xã Hang Chú (Bắc Yên) sử dụng tin học phục vụ công tác chuyên môn.
Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, trong đó, có 165/204 xã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 100% số xã có trạm điện hạ thế; 55% có chợ xã, liên xã; 87,6% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 82% dân số nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm dưới 3%. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nhiều nét văn hóa và phong tục tập quán tốt đẹp được giữ gìn và phát triển. Tình hình an ninh biên giới được bảo vệ vững chắc, hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc sinh sống được củng cố, đồng bào các dân tộc luôn đoàn kết, tin tưởng và thực hiện tốt đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Sự nghiệp giáo dục - đào tạo dành cho con em đồng bào các dân tộc luôn được quan tâm. Toàn tỉnh hiện có 12 trường PTDT nội trú với 3.743 học sinh; có 52 trường PTDT bán trú với 18.060 học sinh, trong đó, khối trung học 13 trường với 5.386 học sinh, khối trung học cơ sở 39 trường với 12.674 học sinh. Từ năm 2008 đến nay, tỉnh ta đã xét cử 1.842 người đi học theo chế độ cử tuyển, trong đó số lượng cử tuyển đã tốt nghiệp ra trường là 1.612 người; số người chưa tốt nghiệp là 230 người. Từ 2010 đến tháng 8 năm 2016, có 924 người được tuyển dụng, hiện đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số cấp tỉnh chiếm 38,13%, cấp huyện chiếm 53,1%, cấp xã 87%. Đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số các cấp đang tăng cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuy nhiên, công tác dân tộc trên địa bàn còn một số khó khăn, như: Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; kết cấu hạ tầng vẫn còn thiếu và yếu; sản xuất còn manh mún, khả năng tiếp cận, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của người dân còn hạn chế,...
Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo đến năm 2020; thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015-2020 về công tác dân tộc, tỉnh ta xác định, công tác dân tộc và thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc phải là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó, phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc, thực hiện đúng quan điểm của Đảng “các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển”. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, phát triển sản xuất, giảm nghèo và xây dựng kết cấu hạ tầng. Đồng thời, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội bền vững với đảm bảo quốc phòng, an ninh. Huy động, lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!