Hiện, toàn tỉnh có 104 tổ chức cơ sở Đảng ở các doanh nghiệp, gồm 23 đảng bộ, 81 chi bộ cơ sở, 133 chi bộ trực thuộc với hơn 2.600 đảng viên. Những năm qua, cấp ủy, tổ chức Đảng trong doanh nghiệp đã từng bước nâng cao vai trò lãnh đạo công đoàn cơ sở (CĐCS) trong việc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể.
Đại diện cấp ủy, Công đoàn và Ban giám đốc Quỹ Tín dụng thị trấn Nông trường Mộc Châu
đối thoại về thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động.
Với sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở, các doanh nghiệp đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC theo quy định, hầu hết trưởng ban là bí thư cấp ủy, đã phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện QCDC ở doanh nghiệp. Cấp ủy, tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp đã lãnh đạo các đoàn thể, nhất là CĐCS phát huy vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; phối hợp với chủ sử dụng lao động xây dựng các quy chế, quy định về thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc, như: Quy chế đối thoại, quy chế hội nghị người lao động, quy chế tuyển dụng lao động, quy chế trả lương, thưởng; quy chế quản lý, sử dụng quỹ phúc lợi; thỏa ước lao động tập thể; nội quy lao động; hệ thống thang bảng lương được cơ quan chức năng thẩm định theo quy định.
Qua giám sát, các doanh nghiệp cơ bản thực hiện nghiêm túc về QCDC ở cở sở, đối thoại; cơ bản đã thực hiện đúng quy định của pháp luật về hợp đồng lao động, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể, tiền lương, kỷ luật lao động, giải quyết tranh chấp lao động... Chủ động thực hiện các quy định, QCDC, giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách và nguyện vọng chính đáng của người lao động. Công đoàn và các tổ chức đoàn thể hoạt động đúng quy định của pháp luật, tuyên truyền, vận động, tổ chức thực hiện quyền dân chủ tại nơi làm việc, để người lao động được biết và được tham gia ý kiến, được quyết định và giám sát những vấn đề có liên quan đến quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động, tạo mối quan hệ hài hòa, ổn định, góp phần ngăn ngừa và hạn chế tranh chấp lao động. Trong 3 năm gần đây, tỷ lệ doanh nghiệp có tổ chức Đảng, tổ chức công đoàn xây dựng QCDC tại nơi làm việc đều đạt cao, năm 2016 và 2018 đạt 100%, năm 2017 đạt 88,3%; tỷ lệ các doanh nghiệp tổ chức hội nghị lao động đạt từ 92,5% trở lên; tỷ lệ doanh nghiệp tổ chức đối thoại tại nơi làm việc đều đạt trên 86%, riêng năm 2018 đạt 95,7%, với tổng số 404 cuộc đối thoại.
Tuy nhiên, số lượng tổ chức Đảng, đoàn thể nói chung cũng như công đoàn nói riêng và số lượng đảng viên, đoàn viên, hội viên trong doanh nghiệp còn thấp. Nhìn chung, vai trò của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp còn mờ nhạt; nội dung, phương thức hoạt động còn lúng túng, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng, lãnh đạo các đoàn thể nhân dân trong tình hình mới. Việc xây dựng, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động nhiều nơi còn chưa đúng quy trình. Nguyên nhân do một số cấp ủy chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động; cán bộ CĐCS chưa nắm vững quy trình, thủ tục, thiếu kiến thức về pháp luật và bản lĩnh cũng như kỹ năng thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, kiêm nhiệm công tác công đoàn, phụ thuộc vào người sử dụng lao động. Việc hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể và giám sát việc thực hiện chưa được quan tâm đầy đủ. Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu quy mô nhỏ và vừa, hiệu quả sản xuất, kinh doanh còn hạn chế.
Để nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng đối với hoạt động công đoàn trong việc tiếp tục thực hiện hiệu quả QCDC trong doanh nghiệp vì sự phát triển ổn định bền vững của doanh nghiệp và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức Đảng tập trung triển khai hiệu quả Kế hoạch của Ban Thường vụ tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 33 ngày 18/3/2019 của Ban Bí thư về tăng cường xây dựng tổ chức Đảng trong các thành phần kinh tế tư nhân; Nghị quyết số 11 ngày 11/2/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác công đoàn và xây dựng đội ngũ công nhân, lao động Sơn La, giai đoạn 2017-2022, phấn đấu hằng năm kết nạp 100 đảng viên trở lên từ công nhân, lao động; đến năm 2022, có 100% doanh nghiệp, HTX có từ 15 lao động trở lên thành lập CĐCS. Tăng cường tuyên truyền, vận động, giáo dục, bồi dưỡng, kết nạp các chủ doanh nghiệp, công nhân lao động đủ điều kiện tham gia vào tổ chức công đoàn, vào Đảng. Xây dựng quy chế phối hợp giữa cấp ủy với ban lãnh đạo, chủ doanh nghiệp, trong đó quy định rõ việc phối hợp giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích chính đáng của người lao động. Cấp ủy, tổ chức Đảng trong doanh nghiệp tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo tổ chức công đoàn thực hiện hiệu quả vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn và người lao động. Phát huy vai trò lãnh đạo, tăng cường sự gắn kết giữa tổ chức Đảng, đoàn thể và đảng viên với doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp thông qua mối quan tâm, mục tiêu và lợi ích chung của doanh nghiệp và người lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
Ngọc Vân
(Trường Chính trị tỉnh)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!