Giám sát và phản biện xã hội là một trong những chức năng quan trọng của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh. Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, nhiệm kỳ qua, MTTQ các cấp trong tỉnh đã thực hiện hiệu quả vai trò giám sát và phản biện xã hội; nội dung giám sát, phản biện đa dạng, trên nhiều lĩnh vực; cách thức thực hiện phù hợp, đưa ra nhiều kiến nghị thiết thực, sát yêu cầu và điều kiện thực tế, bảo đảm tính khả thi, được dư luận đồng tình ủng hộ.
Ban giám sát đầu tư cộng đồng xã Co Mạ (Thuận Châu) giám sát chất lượng xây dựng cống thoát nước trên địa bàn.
Ảnh: Quàng Hưởng
Thực hiện hoạt động giám sát, nhiệm kỳ 2014-2019, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh đã tổ chức 68 đoàn, giám sát 22 nội dung (Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì 18 đoàn, giám sát 6 nội dung; LĐLĐ tỉnh, Hội Nông dân, Hội LHPN tỉnh và Tỉnh Đoàn tổ chức 50 đoàn, giám sát 16 nội dung); MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội các huyện, thành phố phối hợp nghiên cứu, xem xét giám sát 123 văn bản và tổ chức 141 đoàn giám sát các lĩnh vực. Tại các xã, phường, thị trấn, MTTQ và các tổ chức đoàn thể phối hợp nghiên cứu, xem xét giám sát 944 văn bản; thành lập 1.601 đoàn giám sát; giám sát thông qua hoạt động của ban thanh tra nhân dân 2.321 cuộc; giám sát thông qua hoạt động của ban giám sát đầu tư của cộng đồng 5.803 cuộc.
Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức 5 hội nghị, phản biện xã hội 7 văn bản dự thảo; gửi văn bản dự thảo xin ý kiến của các đoàn thể chính trị - xã hội và Hội đồng tư vấn tỉnh 2 nội dung. LĐLĐ các cấp, chủ trì 81 hội nghị phản biện xã hội, 162 lần gửi dự thảo văn bản phản biện xã hội, tổ chức 165 hội nghị đối thoại trực tiếp. Tỉnh Đoàn, tham gia ý kiến vào 181 dự thảo kế hoạch, nghị quyết, chương trình của các sở, ban, ngành về việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ. Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện tổ chức 72 hội nghị phản biện xã hội, gửi văn bản phản biện 209 văn bản, tổ chức 212 hội nghị đối thoại trực tiếp. Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã tổ chức 512 hội nghị phản biện xã hội, gửi văn bản tham gia phản biện 1.038 văn bản, tổ chức 1.249 hội nghị đối thoại trực tiếp.
Việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền tiếp tục có nhiều đổi mới về nội dung, phương pháp, trong nhiệm kỳ, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tham gia góp ý 165 văn bản; cấp huyện và cấp xã tham gia góp ý hơn 1.600 văn bản. Tổ chức công đoàn các cấp trong tỉnh phối hợp tổ chức 1.814 hội nghị, với 8.289 lượt ý kiến tham gia; Hội LHPN tỉnh tham gia góp ý 119 dự thảo văn bản; Tỉnh Đoàn tổ chức 5 hội nghị đối thoại với cấp ủy, chính quyền và cán bộ đoàn cơ sở... Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được thực hiện nghiêm túc, tạo sự chuyển biến về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, góp phần phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương xã hội. Cùng với đó, công tác tổ chức tiếp xúc cử tri, tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân ngày càng có nhiều đổi mới; trong nhiệm kỳ Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND, UBND cùng cấp tổ chức 7.847 cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, với 470.820 cử tri tham dự, có 47.583 lượt cử tri phát biểu ý kiến. Báo cáo của Mặt trận tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại các Kỳ họp HĐND các cấp đã thể hiện tương đối toàn diện những lĩnh vực, vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm, phản ánh... Việc thực hiện quy chế dân chủ, củng cố các tổ hòa giải được quan tâm, đến nay, toàn tỉnh có 3.238 tổ hòa giải, với 18.660 hòa giải viên, trong đó, 3.982 hòa giải viên là cán bộ mặt trận; 5 năm qua đã tham gia hòa giải 1.135 vụ, hòa giải thành 984 vụ, góp phần tạo sự ổn định, gắn bó, đoàn kết trong các khu dân cư, các dòng họ và hộ gia đình.
Thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội, các quyết định của Đảng và Nhà nước sát với thực tiễn cuộc sống và có tính khả thi cao, giúp cán bộ, công chức, đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo điều kiện để nhân dân phát huy quyền làm chủ, bày tỏ ý kiến, kiến nghị và tâm tư nguyện vọng với Đảng, chính quyền. Do vậy, cấp ủy các cấp cần chỉ đạo sâu sát công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch vững mạnh, góp phần giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!